Multimedia Đọc Báo in

Tái diễn tình trạng quá tải tại trung tâm đăng kiểm: Lái xe vật vờ chờ đợi

06:34, 21/03/2023

Trong nhiều ngày qua, một số trung tâm đăng kiểm (TTĐK) trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng quá tải, ùn ứ, phương tiện xếp kín hàng dài, tài xế mệt mỏi vì phải mất nhiều thời gian chờ đợi.

Xếp hàng chờ đăng kiểm

Dù đã thực hiện các giải pháp rút ngắn thủ tục hành chính trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới nhưng những ngày qua, TTĐK xe cơ giới 47-01D (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn rơi vào tình trạng ùn ứ. Ghi nhận vào khoảng 8 đến 9 giờ sáng 20/3, hàng trăm phương tiện xếp theo hàng dài từ phía cổng vào khu vực chờ phía sau của trung tâm này để đợi đến lượt kiểm định. Các xe phải nhích từng chút mới di chuyển được vào khu vực đậu. Ở khu vực tiếp nhận hồ sơ đăng ký, người dân cũng chen chúc, vật vờ ở khu vực nhà xe để được nhận phiếu hẹn đưa xe đến kiểm định.

Phương tiện xếp thành hàng dài chờ kiểm định tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-01D.

Dù nhà cách TTĐK 47-01D không xa, nhưng từ 5 giờ 30 sáng 20/3, ông Nguyễn Cao Thịnh (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) phải đưa xe đến xếp hàng để “khám”. Biết tình trạng này diễn ra từ nhiều ngày qua, nên từ sáng thứ bảy (ngày 18/3), ông Thịnh đã đưa giấy tờ liên quan đến nộp vào bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Trung tâm. Phiếu hẹn lịch kiểm định trong ngày 20/3 và đã đến từ sáng sớm nhưng đợi chờ hơn 3 giờ mà xe vẫn chưa được vào kiểm tra. Trời nắng nóng, phương tiện đông, vật vờ chờ đợi khiến ông Thịnh thấy rất mệt mỏi, chỉ mong tình trạng này sớm được giải quyết.

Tương tự, anh Nguyễn Minh Phúc (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) cho hay, thứ sáu (ngày 17/3) anh mang giấy tờ đến TTĐK 47-01D để đăng ký kiểm định cho xe tải của gia đình. Thứ bảy, anh đưa xe lên, tuy nhiên qua kiểm tra phương tiện không đúng với thiết kế (do anh có gia cố tấm tôn hai bên thành xe để chở hàng hóa không bị rơi vãi) nên Trung tâm yêu cầu về cắt, tháo trả lại nguyên bản ban đầu của xe. Đến sáng 20/3, anh tiếp tục cho xe lên lại Trung tâm, chờ gần hết buổi sáng vẫn chưa được gọi tên, anh như "ngồi trên đống lửa" vì còn rất nhiều việc đang đợi anh về xử lý.

Trong khi đó, anh Nguyễn Ngọc Hướng (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) lo lắng, ngày 22/3 xe con của gia đình anh hết hạn đăng kiểm, do đó sáng 20/3 anh đã chủ động mang giấy tờ và phương tiện đến nộp tại TTĐK 47-02D (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). Tuy nhiên, do số phiếu trong ngày đã hết nên trung tâm hẹn anh đến sáng thứ năm (ngày 23/3) đưa xe đến kiểm tra. So với lịch hẹn, xe anh bị quá thời hạn một ngày, anh rất lo trong ngày đó nếu di chuyển bằng xe chẳng may bị lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

ùng chung băn khoăn như anh Hướng, dù xe của gia đình đến ngày 31/3 mới hết hạn đăng kiểm nhưng ngày 18/3 ông Nguyễn Đình Thi (TP. Buôn Ma Thuột) đã nộp hồ sơ để kiểm định xe. Ông cho hay, thời gian hết hạn đăng kiểm của xe là cuối tháng 3 – trùng với thời điểm ông có lịch công tác ở tỉnh ngoài nên ông chủ động đưa xe đến “khám” trước hơn 10 ngày cho yên tâm.

Ông Nguyễn Sỹ Tuấn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-01D cho biết, với hai dây chuyền hoạt động, công suất đăng kiểm của Trung tâm từ 140 - 160 xe/ngày. Song, nhiều ngày qua, số phương tiện đến đăng ký hồ sơ đăng kiểm đều cao hơn rất nhiều so với công suất hiện có của Trung tâm.

Đâu là nguyên nhân?

Từ cuối năm 2022 đến thời điểm hiện tại, nhiều TTĐK trên phạm vi cả nước bị tạm dừng hoạt động do vi phạm trong hoạt động đăng kiểm, nhiều cán bộ, nhân viên bị khởi tố, tạm giam khiến hoạt động này bị ảnh hưởng. Tài xế buộc phải đưa xe đến các tỉnh thành có các TTĐK đang hoạt động để kiểm định xe gây nên tình trạng quá tải. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 6/3, cả nước có 61/281 TTĐK bị tạm dừng hoạt động, trong đó có 53 TTĐK tạm dừng hoạt động do phục vụ công tác điều tra, 8 TTĐK tạm dừng hoạt động do không đủ điều kiện hoạt động theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP.

Người dân ngồi vật vờ chờ đến lượt gọi lấy giấy hẹn kiểm định cho xe.

Tại tỉnh Đắk Lắk, cuối tháng 2/2023, một số lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-06D (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) bị khởi tố và bắt tạm giam vì đã có hành vi nhận tiền của các lái xe, chủ xe đăng kiểm để thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật đăng kiểm phương tiện xe cơ giới, bỏ qua lỗi kỹ thuật và phương tiện được cấp chứng nhận đăng kiểm… Trung tâm này phải tạm dừng hoạt động, nên các phương tiện dồn về các TTĐK còn lại. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 5 TTĐK hoạt động, việc quá tải cục bộ là khó tránh khỏi.

Thêm vào đó, sau khi cơ quan chuyên môn phát hiện hàng loạt vi phạm ở các TTĐK trên phạm vi cả nước, hoạt động kiểm định xe cơ giới bị siết chặt hơn, việc kiểm tra các bộ phận của xe lâu hơn và rất nhiều xe (đặc biệt xe vận chuyển hàng hóa) có lỗi buộc phải khắc phục nên phải đăng kiểm từ lần thứ hai trở lên, khiến thời gian kiểm định kéo dài. Một số tài xế chia sẻ, trước đây chỉ cần kiểm định một lần là được cấp tem kiểm định, giờ các khâu kiểm tra chặt chẽ hơn nên mất nhiều thời gian đưa xe đến gara sửa chữa.

Trước thực trạng quá tải, các TTĐK đã thực hiện tăng ca, tăng giờ, triển khai tiếp nhận hồ sơ qua tài khoản Zalo, ứng dụng online trên trang http://ttdk.com.vn/ của Cục Đăng kiểm Việt Nam… để thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, các TTĐK chỉ hoạt động trong công suất cho phép nên người dân phải mất thời gian từ 2 - 3 ngày, thậm chí là nhiều hơn để đến lượt đăng kiểm (thời gian tính từ khi người dân đi nộp hồ sơ đến lịch hẹn “khám” xe).

Tỉnh Đắk Lắk có 6 TTĐK hoạt động theo hình thức xã hội hóa, trong đó TP. Buôn Ma Thuột có 3 trung tâm (gồm 47-01D, 47-02D và 47-04D), huyện Krông Pắc có Trung tâm 47-06D, huyện Ea Kar có Trung tâm 47-03D và huyện Krông Búk có Trung tâm 47-05D.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.