Multimedia Đọc Báo in

Bất động sản Đắk Lắk sau lễ hội

08:20, 02/04/2023

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 được xem là dịp tụ hội cộng đồng và xúc tiến đầu tư hấp dẫn của địa phương, trong đó mảng kinh doanh bất động sản được dự báo sẽ thu nhận những quan tâm nhất định. Dư luận sau lễ hội cũng có dao động tích cực về các thông tin đầu tư địa ốc tại địa phương.

Tuy nhiên, theo các nhà tư vấn, để địa ốc Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk thực sự trỗi mình trong bối cảnh còn khó khăn chung của cả nước, giới kinh doanh và các cấp quản lý cần có thêm những động thái thúc đẩy cần thiết.

Cam kết về chính sách

Ngay ở lễ hội cà phê vừa qua, chính quyền, các đoàn thể và doanh nghiệp địa phương đã có sự hợp tác, lan tỏa thông tin, công bố những lĩnh vực kêu gọi đầu tư vào TP. Buôn Ma Thuột, nhất là ở mảng nông sản và thương mại xuất khẩu. Cà phê được xem là hạt nhân chính của hoạt động xúc tiến này, với hai hội thảo kết nối đặc thù, và nhiều chương trình triển lãm, hội thi cùng chủ đề, tạo chất xúc tác thu hút dư luận. Cạnh đó, các mảng đầu tư như giao thông, hạ tầng đô thị, giáo dục, y tế của địa phương cũng được giới thiệu, mang lại một hình ảnh mới, linh hoạt và tích cực hơn về môi trường đầu tư Đắk Lắk.

Điểm nhấn của hoạt động này là thông tin những cơ chế ưu đãi đặc thù ở Buôn Ma Thuột trước đó đã được quảng bá, và tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 được nhấn mạnh thêm; nhất là cơ hội các nhà đầu tư tham gia vào các mảng ưu tiên kêu gọi ở địa phương, như phát triển nông nghiệp, chuyên canh, chế biến sản xuất cà phê, hướng đến những mô hình thương mại, logistics xuất khẩu…

Đại diện các Sở Công Thương, NN-PTNT Đắk Lắk trong những phần tham gia của mình đều đặc biệt nhấn mạnh những lợi thế về nông sản và điều kiện đầu tư thuận lợi vào thế mạnh nông nghiệp tỉnh nhà, chủ động mời gọi các nhà đầu tư có năng lực tham gia cải thiện môi trường đầu tư, thu hút sinh kế cho người dân và tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp.

Riêng về hạ tầng nông nghiệp, chính sách đất đai cho canh tác, chính quyền tỉnh Đắk Lắk khẳng định ưu tiên thế mạnh nông nghiệp, an toàn lương thực, thực phẩm để kiên định quy hoạch, quản lý đất đai, tuyệt đối ngăn chặn những nguy cơ phá vỡ quy hoạch nông nghiệp nông thôn, cấm ngặt những hiện tượng đầu cơ, chuyển đối sai mục đích sử dụng đất. Trong đó, thời gian qua và sắp tới, địa phương sẽ kiên quyết chống tình trạng phân lô tách thửa đất nông nghiệp, giám sát tốt các dự án đầu tư đất ở đô thị, phát triển hạ tầng khu dân cư trong quy hoạch. Hiện tượng đầu cơ chờ cơ hội chuyển đổi sử dụng đất, sử dụng đất sai mục đích nhất định sẽ bị ngăn chặn. Điều này sẽ vừa giữ vững quy hoạch phân loại đất địa phương, an toàn đất canh tác, vừa giữ đúng cam kết với các chủ đầu tư dự án đô thị hóa, phát triển quỹ nhà và đất ở bình ổn tại các khu vực đô thị, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng đô thị trên địa bàn. Địa phương sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các chủ đầu tư có năng lực thực thụ, tiến hành đầu tư thật ở các dự án đô thị mới, thực hiện công bằng cho các dự án “đất thật” cho người dân có nhu cầu nhà ở, không để xảy ra những hiện tượng bán đất đầu cơ, đất hai giá, đất ngoài quy hoạch, nạn “bán đất trên giấy”…

Thị trường bất động sản Đắk Lắk dự báo sẽ có nhiều chuyển biến tích cực sau Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Trong ảnh: Một góc khu đô thị Eco City Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Tạo cơ hội thực tế

Đại diện một số sàn giao dịch địa ốc ở TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, ngay tại lễ hội, đã có một số nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội quan tâm hơn vào môi trường cuộc sống, cơ hội sở hữu nhà đất ở bền vững ở đô thị cao nguyên này. Rất nhiều người dân các địa phương xung quanh, tại các huyện trong tỉnh cũng qua giao lưu, tham gia lễ hội, trực tiếp xem xét cơ hội có thể sở hữu nhà, và đất ở tại các dự án đầu tư đô thị mới, khu dân cư mới. Dấu hiệu giao dịch chuyển nhượng đã bắt đầu tăng trở lại ở một số sàn môi giới ngay trong tháng 3/2023.

Tuy nhiên, theo các đơn vị tư vấn, vẫn còn tâm lý dè dặt ở những người dân có nhu cầu nhà ở thực thụ bởi một số vấn đề còn tồn tại trong quá trình giao dịch đất ở.

Thứ nhất là cải cách hành chính ở một số đơn vị đầu mối về đất đai, chính quyền cơ sở vẫn chưa hoàn toàn thông suốt, công tác kiểm định, đánh giá thuế với các quy định cần được cải tổ hơn nữa. Điều này, có liên quan đến Luật Đất đai đang được sửa đổi, nhưng về cơ bản, tại các dự án đầu tư đất ở đô thị, các chủ đầu tư cần được các cơ quan chức năng giám sát cụ thể hơn, cập nhật thuận lợi hơn về tiến độ đầu tư, hoàn thành các thủ tục hành chính, nghĩa vụ với Nhà nước.

Thứ hai, tinh thần bảo đảm quy hoạch chung, tuân thủ không khoan nhượng các hiện tượng chia lô phân thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được tổ chức nghiêm hơn nữa. Việc tiếp thụ các ý kiến từ cơ sở, như cấp xã, phường trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng qua đăng ký của người dân, cần được đối sánh hai chiều, có sự giám sát chặt chẽ hơn từ trên và sự phản ảnh ngược từ dưới, tránh dấu hiệu đầu cơ, lợi ích nhóm… Thực trạng này, nếu được kiểm soát tốt sẽ là cơ hội ổn định và tăng trưởng tích cực cho thị trường địa ốc Đắk Lắk, bởi dư địa đất đai địa phương còn nhiều, chỉ cần được tổ chức quy hoạch và phân loại hợp lý, đúng nhu cầu người dân sở tại hơn.

Thứ ba, địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện thiết thực hơn nữa cho các chủ đầu tư, các dự án đầu tư đô thị hóa có năng lực, có trách nhiệm, được thực hiện và thương mại hóa nhanh chóng, thuận lợi. Việc này sẽ giúp người dân có nhu cầu thật được tiếp cận tốt hơn các quỹ nhà và đất ở đô thị mới, với những mức giá hợp lý, tránh bị đầu cơ thao túng, “thổi giá” qua chuyển nhượng nhiều lần. Qua đó, thị trường bất động sản Đắk Lắk chắc chắn sẽ tăng trưởng ổn định, khai thác tốt các dư địa có lợi thế, nhất là đáp ứng hiệu quả tốc độ tăng trưởng đô thị hóa ở những khu vực đô thị mới như tại Buôn Ma Thuột.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.