Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam: Nâng cao giá trị cà phê từ nông trại
Khởi nguồn từ khát vọng nâng cao uy tín hạt cà phê Việt Nam - Cà phê Buôn Ma Thuột, Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2023 đánh dấu cho hành trình 5 năm tổ chức thi và 10 năm phát triển của cà phê đặc sản Việt Nam. Đây là một "sân chơi" bổ ích cho người làm cà phê trong việc nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng từ nông trại đến ly cà phê.
“Trái ngọt” từ hạt đắng
Sau 6 tháng phát động, Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2023 - VietNam Amazing Cup 2023 đã nhận được sự tham gia của 47 đơn vị đến từ 7 tỉnh trồng cà phê trên cả nước (gồm: Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng), với 84 mẫu/lô hàng dự thi; tổng sản lượng 157 tấn, trong đó cà phê Robusta 121 tấn và cà phê Arabica 36 tấn. Trải qua các vòng thi, Ban giám khảo đã chọn được 71 mẫu đạt 80 điểm trở lên (theo thang điểm quốc tế), đạt chứng nhận cà phê đặc sản.
Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi, kết quả của mùa thi năm 2023 đạt kỷ lục toàn diện về số mẫu và sản lượng cà phê tham gia thi, tỷ lệ mẫu đạt đặc sản và điểm của mẫu đạt giải quán quân so với tất cả các năm thi. Đặc biệt, tất cả các vùng trồng cà phê ở Việt Nam đều có tiềm năng làm cà phê đặc sản và kiến thức sản xuất cà phê đặc sản đã được lan rộng. Trong đó, Đắk Lắk tỏ chứng tỏ ưu thế trong phát triển cà phê đặc sản, cả về số lượng lẫn chất lượng, xứng đáng là "cái nôi" của Robusta Việt Nam khi hầu hết các mẫu đạt cà phê đặc sản đều của các đơn vị sản xuất cà phê ở Đắk Lắk.
Ban giám khảo thử nếm chấm điểm các mẫu cà phê tại vòng chung kết Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2023. |
Ông Lê Đức Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột chia sẻ: cuộc thi năm nay có trên 84% các mẫu tham gia đều đạt cà phê đặc sản, trong khi trước đây chỉ ở mức 60 – 70%. Đây là một thành công và được cải tiến rất nhiều so với các cuộc thi trước. Về mặt điểm số thì cũng cải tiến được từ 1 – 1,5 điểm so với các giải top trước đây; các phổ hương của những mẫu đạt giải năm nay cũng có nhiều mẫu mới sáng tạo hơn, đa dạng hơn, không đi theo lối mòn. Đặc biệt là hương vị cà phê Robusta có xu hướng tốt hơn, notes hương “sang trọng” hơn.
"Các dòng cà phê đặc sản của Việt Nam đang đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của thế giới. Đặc biệt, các mẫu cà phê dự thi có hương vị rất tốt, thiên về hương vị trái cây, gỗ và trà... Do đó, để tiếp tục khẳng định giá trị cà phê Việt Nam, cần có số lượng cà phê đặc sản nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người tiêu dùng toàn cầu". Ông Ermanno Perotti, thành viên Ban giám khảo Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2023
|
Giành giải Nhất đối với cà phê Robusta (84,17 điểm), ông Phan Công Thắng, chủ thương hiệu PHAN EM Coffee (huyện Cư M’gar) cho biết, đây là năm đầu tiên tham gia cuộc thi, đạt giải cao nhất nên rất bất ngờ. Cuộc thi là “sân chơi” rất bổ ích cho người trồng cà phê trong việc nâng cao chất lượng cà phê từ vườn cây. Bởi thông qua cuộc thi, người nông dân được tham gia các khóa đào tạo chuyên nghiệp về chế biến cà phê chất lượng cao, được tiếp xúc với nhiều mẫu thi từ các nông trại/trang trại cà phê trong nước; được trao đổi với nhiều chuyên gia về cà phê, các nhà rang xay trong và ngoài nước nên học hỏi được nhiều kiến thức thú vị. Đây cũng là dịp để nâng tầm giá trị của cà phê Robusta cũng như xây dựng thương hiệu cho Buôn Ma Thuột - Thành phố cà phê của thế giới.
Đa dạng kênh thương mại
Một trong những điểm mới của Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2023 là Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột phối hợp với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) tổ chức đấu giá thử nghiệm một số lô hàng cà phê đạt đặc sản từ cuộc thi, qua đó nắm bắt nhu cầu tham gia đấu giá, tiến tới tổ chức chuyên nghiệp đấu giá trực tiếp hoặc online, nhằm đa dạng hóa kênh thương mại và nâng cao giá bán cà phê đặc sản.
Tham gia phiên đấu giá có 4 nhà cung cấp, với 7 mẫu/lô hàng (đạt đặc sản năm 2023), trong đó có 6 mẫu là Robusta và 1 mẫu Arabica; tổng sản lượng gần 7 tấn. Có khoảng 20 đơn vị tham gia đấu giá, với mức giá khởi điểm của các mẫu từ 100.000 – 170.000 đồng/kg, chốt giá thành công ở mức từ 310.000 – 430.000 đồng/kg. Mẫu được mua với giá cao nhất là mẫu A001 của Công ty TNHH MTV Minudo farm-care (TP. Buôn Ma Thuột).
Các doanh nghiệp, nhà rang xay tìm hiểu những mẫu cà phê đạt giải trong Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2023. Ảnh: Hoàng Gia |
Ông Lê Đình Tư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minudo farm-care cho biết, do đây là mẫu Arabica duy nhất trong phiên đấu giá, cũng là mẫu có hương vị đặc biệt nên đã tạo được sự chú ý của các nhà rang xay và được chốt với giá cao nhất phiên. Tuy đây chỉ là phiên đấu giá thử nghiệm nhưng bước đầu cũng đã mang lại thành công nhất định trong việc tạo thêm kênh thương mại cho người sản xuất bán cà phê đặc sản, đồng thời khẳng định được giá trị của cà phê đặc sản Việt Nam.
Theo Simexco Daklak, mặc dù là lần đầu tiên tổ chức với số lượng mẫu không nhiều, nhưng đã thu hút được khá đông các nhà rang xay tham gia, trong đó có những nhà rang xay nước ngoài. Mục tiêu của cuộc đấu giá là nhằm tạo được giá tham khảo của thị trường, từ cơ cấu giá đó, các đơn vị tham gia sẽ biết được mức giá của thị trường, tiếp tục nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam. Thông qua các phiên đấu giá cũng đã giới thiệu, kết nối trực tiếp nhà rang xay trong và ngoài nước với người nông dân, đơn vị sản xuất cà phê đặc sản để thương mại hóa các lô hàng tham gia Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam. Từ đó tạo giá trị gia tăng cho cà phê đặc sản Việt Nam và tạo động lực cho người trồng cà phê quan tâm đến việc nâng cấp chất lượng sản phẩm.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc