Multimedia Đọc Báo in

Khẳng định vị thế cà phê Việt

08:25, 31/05/2023

Các doanh nghiệp đến hiệp hội ngành hàng đều nhận thấy, việc đáp ứng các quy định của Dự luật về sản phẩm không phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU) là không quá khó khăn. Thậm chí đây còn là cơ hội để cà phê Việt Nam khẳng định uy tín và vị thế của mình trên thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp không bị động

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cà phê Việt Nam, mỗi năm xuất khẩu hơn 120.000 tấn cà phê nhân với tổng kim ngạch lên đến 6.500 tỷ đồng.

Để có chuỗi cung ứng nguyên liệu ổn định, công ty đã liên kết với nông dân trên địa bàn Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên xây dựng và phát triển chuỗi cà phê bền vững được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế. Công ty đã triển khai mô hình sản xuất kết hợp, bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội.

Theo đó, giảm lượng nước sử dụng, áp dụng mô hình đa canh, duy trì thảm phủ để cải thiện thu nhập và tối ưu hóa chi phí đầu vào. Đặc biệt, người dân đã được tập huấn loại bỏ thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất Glyphosate, thay vào đó là sử dụng máy cắt cỏ, tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để ủ phân tái sử dụng cho vườn, giảm lượng phân bón hóa học, tăng lượng phân hữu cơ, góp phần giảm phát thải CO2.

Quan trọng hơn, bình đẳng giới cũng là vấn đề được công ty chú trọng, khi phụ nữ được trao quyền và bổ nhiệm làm chủ tịch các hợp tác xã (HTX). Do đó, EUDR hầu như không ảnh hưởng việc xuất khẩu cà phê của công ty.

Một cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Trong khi đó, HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) có 49 thành viên (90% là đồng bào dân tộc thiểu số) và liên kết khoảng 150 hộ dân, chăm sóc hơn 220 ha cây trồng (chủ yếu là cà phê), với sản lượng đạt 500 tấn/năm. Năm 2016, cà phê nhân xanh của HTX đã đạt Chứng nhận Thương mại công bằng (FLO - do Tổ chức quốc tế về dán nhãn Thương mại công bằng - Fairtrade Labelling Organization International xây dựng). Đây là thành quả lớn, giúp sản phẩm cà phê của HTX dễ dàng tiếp cận và đến gần hơn với thị trường châu Âu. Thông qua Công ty TNHH Đắk Man Việt Nam, sản phẩm của HTX được xuất khẩu vào thị trường các nước Anh, Pháp, Mỹ, Đức…

Ông Nguyễn Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu cho biết, vườn cà phê của đơn vị hình thành từ hàng chục năm trước và hiện đang được canh tác một cách bền vững. Nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, thu hoạch quả chín trên 80% để nâng cao chất lượng hạt cà phê thành phẩm. HTX cũng đưa vào trồng các loại giống cà phê có sức chịu hạn tốt, ít sâu bệnh. Để hạn chế tác động đến môi trường, đơn vị tiến hành trồng các loại cây che bóng, chắn gió nhằm giảm nhiệt độ vườn cây, qua đó hạn chế lượng nước tưới. Trong quá trình canh tác, nông dân hạn chế sử dụng phân bón vô cơ và chỉ dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép của Tổ chức Thương mại công bằng.

Sản xuất cà phê có trách nhiệm

Theo ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cà phê Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của EUDR, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ nếu người sản xuất không nắm được quy định này.  Người sản xuất phải có trách nhiệm với thương hiệu của cả ngành hàng chứ không chỉ nghĩ đến lợi nhuận cá nhân. Theo quy định của EU, nhà xuất khẩu phải cung cấp được thông tin chứng minh không vi phạm quy định, trong đó có thông tin về vị trí địa lý cấu thành nên lô hàng. Cùng với không phá rừng, việc sản xuất cũng phải bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em và yêu cầu khác về mặt xã hội.

Cà phê chất lượng cao của HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột).

Một lợi thế của Việt Nam so với các quốc gia khác ở châu Á và Nam Mỹ là diện tích cà phê phát triển từ nhiều năm trước, vườn cây mới trong những năm gần đây không nhiều. Nhìn một cách tích cực thì EUDR là "cơ hội vàng" cho cà phê Việt Nam, bởi từ lâu Chính phủ đã có lệnh đóng cửa rừng, nên việc phá rừng để trồng cà phê hầu như không còn.

Ở nước ta, việc sản xuất có chứng nhận được triển khai từ sớm, nên đáp ứng yêu cầu của EU là không khó. Thời điểm này là dịp để soát xét lại thông tin về cà phê, từ quy hoạch đến thực thi chính sách của người sản xuất và doanh nghiệp, cải tiến công tác quản lý, tạo sự đồng bộ giữa bản đồ đất, bản đồ quy hoạch rừng.

Tận dụng cơ hội các quốc gia khác gặp khó khi vào thị trường châu Âu để cải tiến chất lượng, tạo giá trị gia tăng bền vững. Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam sẽ phối hợp cùng Bộ NN-PTNT và EU tiếp cận các thông tin, quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức phổ biến, thông tin đến người sản xuất.

Về lâu dài, Chính phủ đã cam kết trong các công ước quốc tế là đến năm 2030 giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính, đến năm 2050 giảm 100%. Cùng với đó, nâng cao công tác quản lý, minh bạch hóa chuỗi sản xuất không gây phá rừng, tăng thu nhập cho người dân. “EUDR là thách thức nhưng cũng là "cơ hội vàng" để chúng ta chứng minh cho thế giới thấy rằng cà phê Việt Nam chất lượng tốt, được sản xuất trên nền tảng hệ sinh thái bền vững và không có vấn đề về xã hội. Để làm tốt điều này, cần có chiến dịch tuyên truyền từ cấp độ quốc gia đến ngành hàng, doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Minh Chi –  Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.