Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

17:33, 06/05/2023

Ngày 5/5, Đoàn Giám sát số 9 của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do bà Phạm Thị Phương Hoa, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tổ chức giám sát tình hình chấp hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính giai đoạn 2020 - 2022 tại Sở NN-PTNT.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, Sở NN-PTNT và các Chi cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Sở đã phát hiện 347 vụ vi phạm hành chính, ban hành 347 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, có 341 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được thi hành, 1 quyết định cưỡng chế thi hành, nộp vào ngân sách với số tiền trên 1,8 tỷ đồng.

ảnh
Bà Phạm Thị Phương Hoa, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, trong thời gian qua đơn vị luôn tạo điều kiện thuận lợi để công chức được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính; bố trí nguồn lực và các điều kiện cần thiết để bảo đảm cho việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được nghiêm minh, hiệu quả. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về thẩm quyền, thủ tục lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quyết định xử phạt vi phạm hành chính được tổ chức, cá nhân đồng tình, thống nhất cao, không có quyết định bị khiếu nại... Qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì trong quá trình xử phạt vi phạm hành vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện, công nghệ thông tin, trang thiết bị bảo đảm thi hành pháp luật hiện nay chưa đồng bộ, thiếu thiết bị đo kiểm, phòng thử nghiệm cơ bản...; kinh phí phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, nhất là kinh phí mua mẫu, phân tích mẫu rất ít nên chưa đáp ứng được nhiệm vụ được giao; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính của các cấp, các ngành chưa nhiều… Đây là khó khăn và thách thức lớn trong công tác thanh kiểm tra cũng như công tác xử lý vi phạm hành chính.

ảnh
Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Sở NN-PTNT kiến nghị với Đoàn Giám sát về các vấn đề như: tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về xử lý vi phạm hành chính; xây dựng 4 khu cách ly nuôi nhốt động vật cho các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông trên các tuyến Quốc lộ đi qua tỉnh để lấy mẫu kiểm tra, giám sát và kiểm dịch động vật đối với các trường hợp không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vào địa bàn tỉnh; bổ sung thêm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác xử phạt vi phạm hành chính…

ảnh
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Mai Trọng Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Phạm Thị Phương Hoa, Trưởng Đoàn Giám sát nhấn mạnh: Sở NN-PTNT mặc dù lĩnh vực quản rất rộng nhưng cũng đã thực hiện tốt trong việc chấp hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trong thời gian tới đơn vị cần khắc phục những hạn chế như: tăng cường quan tâm, theo dõi, đôn đốc các đối tượng bị xử phạt để tránh sự chây ì, không chịu nộp phạt; vận dụng và thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật và của các nghị quyết, văn bản về xử phạt vi phạm hành chính; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao cho lực lượng thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính. Những kiến nghị của Sở NN-PTNT được Đoàn Giám sát ghi nhận và sẽ nghiên cứu để trình lên cấp trên xem xét giải quyết…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.