Truy xuất nguồn gốc: Giải pháp nâng tầm nông sản địa phương
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc (TXNG), trong đó tập trung hỗ trợ triển khai giải pháp TXNG cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Lợi ích lớn nhất của việc minh bạch thông tin là bảo vệ thương hiệu, tránh bị làm giả nguồn gốc, xuất xứ. Đây là “công cụ” để tạo uy tín và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX).
Minh bạch nguồn gốc nông sản
Hoạt động TXNG hàng hóa đang ngày càng được Chính phủ, các bộ, ban, ngành quan tâm và ban hành các chính sách hỗ trợ. Tiêu biểu ngày 19/1/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG". Thực hiện đề án này, ngày 23/9/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 8610/KH-UBND thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG” trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng, áp dụng, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu TXNG của sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh, nâng cao tính cạnh tranh và giá trị cho nông sản địa phương.
Sản xuất nông sản sấy khô tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Bazan đỏ (huyện Cư Kuin). |
Trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Công nghệ thông tin và truyền thông CDIT hỗ trợ 10 DN, HTX trên địa bàn ứng dụng hệ thống TXNG có dán tem QR code và cấp gần 100.000 tem xác thực TXNG. Với phần mềm TXNG và tem QR code được cấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng kho dữ liệu, cập nhật thông tin về nguồn gốc hàng hóa lên hệ thống và dán mã QR lên sản phẩm trước khi cung ứng ra thị trường. Người tiêu dùng được cung cấp thông tin về sản phẩm, tra cứu, đánh giá, bình chọn... thông qua ứng dụng quét mã QR trên điện thoại thông minh.
Tham gia Đề án, ông Trần Ngọc Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp VietFarm (huyện Krông Pắc) cho biết, trước đây HTX cũng đã thực hiện TXNG bằng QR code tự tạo, tuy nhiên thông tin chỉ mang tính nội bộ. Đến tháng 8/2022, HTX được hỗ trợ ứng dụng TXNG dán tem QR code cho sản phẩm hạt mắc ca sấy. Tính đến nay, đã có hơn 5.000 sản phẩm của đơn vị cung ứng ra thị trường sử dụng TXNG bằng hình thức này. Việc kiểm tra nguồn gốc giúp người tiêu dùng xác định thông tin sản phẩm, từ đó bảo vệ uy tín cho DN. Từ hiệu ứng tích cực này, HTX sẽ tiến tới dán tem QR code cho các sản phẩm còn lại như hạt điều, trà mãng cầu sấy khô...
Là một trong 10 đơn vị được hỗ trợ cấp tem TXNG, anh Lê Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Bazan đỏ (huyện Cư Kuin) cho hay, năm 2022, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, anh thực hiện dán tem QR cho tất cả 10 sản phẩm của DN làm ra như cà phê, trà mãng cầu các loại... Thông qua tem TXNG được cấp và dán trên sản phẩm, công ty có cơ hội thông tin đến người tiêu dùng về quy trình sản xuất, thông tin chất lượng, quy chuẩn hàng hóa. Đây là cơ sở pháp lý cho sản phẩm của đơn vị, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong thời kỳ hội nhập, giúp quảng bá và nâng tầm thương hiệu, bảo vệ lợi ích cho cả DN và người tiêu dùng.
Thống nhất trong quản lý và giám sát thông tin
Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc lưu thông tràn lan trên thị trường thì hoạt động TXNG càng được DN, HTX làm ăn chân chính, người tiêu dùng quan tâm và mong muốn thực hiện. Bằng công cụ này, cơ quan quản lý Nhà nước cũng nắm được tình hình sản xuất và phân phối hàng hóa trên địa bàn để giám sát, có chiến lược phát triển phù hợp, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương.
Người tiêu dùng TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra thông tin, nguồn gốc hàng hóa thông qua việc quét mã QR bằng điện thoại thông minh. |
Để đưa hoạt động TXNG ngày càng phát triển, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, an toàn cho sản phẩm, hàng hóa của địa phương, tỉnh Đắk Lắk đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng 7 mô hình áp dụng hệ thống TXNG đối với các sản phẩm như: rau quả, mật ong, cà phê bột, hạt tiêu, hạt điều, lâm sản…; trên cơ sở đó, nhân rộng mô hình áp dụng hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa nhằm đảm bảo nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm nông lâm sản chủ lực và các sản phẩm, hàng hóa OCOP của tỉnh; bảo đảm tối thiểu 25% DN của tỉnh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống TXNG áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống TXNG của DN trong nước và quốc tế; xây dựng hệ thống quản lý thông tin TXNG của tỉnh và phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho việc kết nối với Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia...
Tuy nhiên, theo Sở Khoa học và Công nghệ, công tác quản lý nhà nước về TXNG sản phẩm, hàng hóa hiện vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Cụ thể như dữ liệu TXNG phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị cung cấp giải pháp; thông tin TXNG không đáp ứng “các nguyên tắc TXNG”, không đủ các bên tham gia chuỗi cung ứng, không đủ phần tử dữ liệu chính, thông tin không chính xác. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai Đề án TXNG chưa được ban hành đầy đủ nên việc triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống TXNG không thống nhất và đồng bộ... Do đó, hệ thống TXNG quốc gia cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung; hành lang pháp lý cần cụ thể và hoàn thiện hơn để đưa hoạt động quản lý TXNG sản phẩm, hàng hóa đi vào nền nếp theo một chuẩn mực chung để các địa phương triển khai thực hiện.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc