Multimedia Đọc Báo in

Gỡ “nút thắt” trong giải ngân vốn ODA

08:02, 06/06/2023

ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức của nhà tài trợ nước ngoài cung cấp) được coi là một kênh cấp vốn quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Tuy nhiên, kết quả giải ngân nguồn vốn này đạt thấp đang đặt ra thách thức không nhỏ cho tỉnh Đắk Lắk.

Chậm và vướng

Việc chậm giải ngân nguồn vốn ODA sẽ gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực và để tuột mất cơ hội thụ hưởng của các đối tượng. Đặc biệt, từ khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA giảm dần, chuyển sang vay ưu đãi và tiến tới vay theo lãi suất thị trường.

Thế nhưng, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, vốn ODA năm 2022 của các chương trình, dự án đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh mới chỉ giải ngân được hơn 135/391 tỷ đồng (bằng 34,6% kế hoạch).

Đối với vốn ODA năm 2023, đến ngày 18/5/2023 mới chỉ giải ngân hơn 17,4/204 tỷ đồng, tức bằng 8,5% so với kế hoạch. Đây là mức giải ngân thấp, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy không đáng có, trong đó hệ lụy quan trọng nhất là làm mất uy tín của Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng với nhà các cung cấp vốn ODA.

Các hồ, đập thuộc Tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Đắk Lắk được thiết kế với tiêu chuẩn an toàn và ứng dụng kiểu tràn xả lũ mới lần đầu tiên áp dụng ở Đắk Lắk. (Trong ảnh: Hồ Ea Quang tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc).

Đáng nói là lý do của sự chậm trễ này vẫn mang tính chất “muôn thuở”, như chậm và khó khăn trong giải phóng mặt bằng, sự phức tạp về thủ tục... Điển hình như Tiểu dự án nâng cấp, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới cho cây trồng cạn tỉnh Đắk Lắk (Tiểu dự án ADB8) thuộc Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi hạn hán” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Tuy đến ngày 31/12/2025 sẽ hết thời gian thực hiện dự án nhưng tiến độ triển khai vẫn rất chậm và số vốn được giao năm 2023 là hơn 65,7 tỷ đồng, thì có gần 49 tỷ đồng vẫn chưa giải ngân.

Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn (đại diện chủ đầu tư dự án) chia sẻ, đây là dự án ODA duy nhất trong 30 dự án mà hiện nay Ban đang thực hiện. Tuy nhiên, qua rà soát, hiện Tiểu dự án đã thay đổi quy mô, giải pháp thiết kế, tổng mức đầu tư tăng, đồng thời thay đổi đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh diện tích đất sử dụng. Do vậy, Ban đã rà soát lại toàn bộ nội dung đã thay đổi để đề nghị điều chỉnh dự án, trình thẩm định.

 

“Nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là một trong những nguồn lực quan trọng để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy các sở, ngành, chủ đầu tư cần quyết tâm thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp, trong đó, cần phát huy vai trò của Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng gỡ khó cho từng dự án để thúc đẩy kết quả giải ngân vốn ODA” -  Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị.

Tương tự, Tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Đắk Lắk do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư, được tài trợ bởi Hiệp hội Phát triển quốc tế, Ngân hàng Thế giới (WB) và triển khai tại 34 tỉnh, trong đó có Đắk Lắk.

Hiện nay, tiến độ triển khai thực hiện dự án đang chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân được chủ đầu tư đưa ra là do hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trước khi trình thẩm định và phê duyệt phải được Tổng cục Thủy lợi và WB thông qua. Thế nhưng thủ tục lựa chọn các nhà thầu tư vấn giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công - dự toán theo quy định của WB còn phức tạp.

Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng tăng, các chính sách về quản lý chi phí đầu tư thay đổi nên việc thiết kế hồ sơ bản vẽ thi công - dự toán giai đoạn 2 phải điều chỉnh để vừa đảm bảo quy mô dự án và tổng mức đầu tư được phê duyệt.

Hay như Tiểu dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư, vay vốn ưu đãi của WB. Dự án được thực hiện trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong thời gian 5 năm (2017 - 2022). Thế nhưng đã nửa năm 2023 mà gói thầu mua sắm thuộc dự án không triển khai được do không lựa chọn được nhà thầu.

Từng bước gỡ khó

Trước tình hình giải ngân vốn ODA gặp nhiều vướng mắc, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường rà soát, tập trung nguồn vốn vào các dự án quan trọng và có khả năng hoàn thành sớm, cũng như tăng cường phối hợp, thúc đẩy tốc độ giải ngân. Các ban quản lý dự án, địa phương có dự án sử dụng vốn ODA cần nâng cao trách nhiệm, tự giác vào cuộc nhằm cải thiện tình hình, vì mục tiêu chung là sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.

Hồ Buôn Triết (xã Buôn Triết, huyện Lắk) được cải tạo từ nguồn vốn của Tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Đắk Lắk

Đối với Đắk Lắk, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, trong đó tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các vướng mắc trong công tác giải ngân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình và xử lý vướng mắc phát sinh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là dự án ODA.

Từ phía các chủ đầu tư dự án ODA cũng đang từng bước tìm cách tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Dự án WB8 phải thẩm định thiết kế cơ sở, điều chỉnh, tăng vốn xây lắp dẫn đến điều chỉnh chủ trương đầu tư, cơ cấu nguồn vốn. Để làm được điều này cần phải điều chỉnh dự án tổng, 5 tỉnh trong phạm vi dự án phải cùng đề xuất. Vì vậy Sở đã đề xuất Bộ NN-PTNT trình Chính phủ cho chủ trương từng tỉnh tự điều chỉnh tổng mức, cơ cấu nguồn vốn để gỡ vướng cho Dự án WB8. Mới đây, Chính phủ đã cho phép Bộ NN-PTNT và các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trong việc bố trí vốn và điều chỉnh cơ cấu vốn Dự án WB8, bảo đảm cơ sở giải ngân theo kế hoạch vốn và hoàn thành thi công trước ngày đóng khoản vay; đồng thời chủ động phân bổ hoặc tái phân bổ kế hoạch vốn vay nước ngoài năm 2023, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định để bảo đảm bố trí đầy đủ, kịp thời kế hoạch vốn cho dự án. Trường hợp không bố trí đầy đủ, kịp thời kế hoạch vốn nước ngoài cho dự án, các địa phương có trách nhiệm bố trí từ nguồn ngân sách địa phương để thanh toán cho các hồ, đập còn khối lượng hoàn thành chưa được thanh toán. Ông Côn cho rằng, đối với các dự án ODA có vướng mắc tương tự cũng cần thực hiện các bước gỡ khó như  vậy.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc