Multimedia Đọc Báo in

Khát vọng cà phê nhìn từ một phiên đấu giá

08:07, 05/06/2023

Dư luận mạng xã hội đang xôn xao sau vụ đấu giá 2 tấn cà phê Robusta ở Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam với giá 350 triệu đồng/tấn. Bên cạnh ý kiến nhận xét đây là “chiêu bài PR” của doanh nghiệp, có không ít nhìn nhận cho rằng, cần nhìn thấy cơ hội lớn cho các dòng nông sản có chất lượng cao.

Đừng đánh mất cơ hội của mình!

Ông Phạm Thanh Hiền, Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất cà phê PT Nhật Anh (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ trên truyền thông, việc tham gia đấu giá để mua 2 tấn cà phê giá cao không đơn giản là cơ hội để người ta biết thương hiệu doanh nghiệp. Mấu chốt vấn đề là doanh nghiệp từ cơ hội này muốn cổ vũ chính những con người lao động hiểu đúng hơn về giá trị tinh túy hạt cà phê có thể mang lại cho họ. Nếu biết cách chăm sóc, thu hoạch, chế biến… thì cà phê Đắk Lắk, Tây Nguyên sẽ khẳng định được chất lượng cao hơn, và sẽ có được vị trí lựa chọn tốt hơn trong bảng hàng tiêu dùng thế giới.

Thông điệp ấy chính là nền tảng để PT Nhật Anh chấp nhận một cái giá “trên trời” ở cuộc đấu giá này. Điều này càng cuốn hút dư luận khách quan bao nhiêu sẽ càng tác động đến suy nghĩ của những người đang tham gia đầu tư vào các sản phẩm nông nghiệp bấy nhiêu.

Một chủ doanh nghiệp chế biến cà phê ở phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng, không nên lấy sản phẩm của đơn vị này so với đơn vị khác, cũng không thể đối sánh trực tiếp cà phê cao nguyên với bên ngoài. Nhưng, dù là cà phê nào đi nữa thì nguyên tắc chăm trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến càng khoa học, tinh tế, càng mang lại giá trị cao cho hạt cà phê. Đó cũng không phải chỉ là mức giá, mà còn là khả năng tạo ra thành phẩm gì, phục vụ đối tượng nào nữa.

2 tấn cà phê đấu giá thành công của PT Nhật Anh, không ai biết sẽ chế biến ra sản phẩm gì, đưa vào thị trường nào để thu hồi vốn, bài toán ấy thuộc về năng lực nhà kinh doanh. Còn ở góc độ nhà sản xuất, để bán được lô hàng với giá cao như thế, toàn bộ quy trình sản xuất ra hạt cà phê đó cần đạt tiêu chí kỹ thuật, chất lượng gì, mới là vấn đề then chốt. Càng không có doanh nghiệp dư tiền mua lô hàng về để bán lỗ, càng cần có những nhà sản xuất biết kiểm soát thật tốt quy trình làm việc, để tự tin truyền thông và chào giá bán ra.

Đây là thông điệp mà những người tổ chức đấu giá 2 tấn cà phê đưa ra với mọi nhà sản xuất, và những nông dân canh tác: Đừng ai đánh mất cơ hội của mình. Một tấn cà phê chất lượng cực cao sẽ mang lại lợi nhuận gấp trăm tấn cà phê bình thường bày bán. Sự khác biệt nằm ở chất lượng sản phẩm và những thông số minh chứng chất lượng đó. Nên mọi người hãy đầu tư cho đúng, cho tốt vào sản phẩm của mình, đừng nhìn mặt bằng chung, những thao tác, thói quen cố hữu để chỉ có những sản phẩm cà phê hạt “làng nhàng giá rẻ”. Nếu dám tự tin và biết kiểm soát, hạt cà phê Buôn Ma Thuột sẽ có giá khác hẳn, ai cũng muốn điều đó, vậy tại sao không ai làm?

Thu hoạch cà phê tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thuận Nguyễn

Cần nuôi dưỡng khát vọng cà phê

Đại diện Hội Nông dân Đắk Lắk nhận xét, thực tế kết quả đấu giá làm nhiều người bất ngờ. Nhìn vào hiện trạng chăm trồng cà phê đang diễn ra ở Đắk Lắk và cả cao nguyên, người ta càng ngạc nhiên hơn với kết quả đó. Vào lúc này, khi nông dân nhiều nơi đang chặt cà phê đổi sang trồng sầu riêng, chạy theo "ảo ảnh" thời vụ, vụ đấu giá cà phê như một tiếng chuông nhắc nhở. Trước đó, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 cũng là loạt tín hiệu kêu gọi những người đang đầu tư vào nông sản Tây Nguyên hãy tỉnh táo.

Khát vọng cà phê cần được nuôi dưỡng. Anh Hải là nhà đầu tư nhãn hiệu cà phê Đam San (TP. Buôn Ma Thuột) tâm tư như vậy. Hơn 20 năm tham gia chăm trồng, chế biến và kinh doanh cà phê, anh xác định cần có niềm đam mê thực thụ với loại nông sản này. Giờ đây, khi cánh cửa hội nhập kinh tế càng mở rộng, tư duy làm cà phê lại càng phải thay đổi tích cực hơn nữa. Vụ đấu giá 2 tấn cà phê, như thế, chỉ là một điểm sáng trong toàn bức tranh mà ngành cà phê Tây Nguyên, Đắk Lắk và Buôn Ma Thuột cần dốc sức tạo nên.

Rất nhiều chủ doanh nghiệp, chủ trang trại cà phê tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đều suy nghĩ như anh Hải. Cái họ có trong tay chính là đất đai, những trang trại đang trồng cà phê, những nhân công lao động mỗi ngày làm việc với cây cà phê. Điều họ lo lắng là thị trường sẽ ra sao, chính sách nhà quản lý sẽ thế nào để động viên, hỗ trợ cho thành quả đầu tư lao động của họ. Sợi dây kết nối giữa hai điều kiện này, chính là quan điểm, giải pháp đầu tư của họ ra sao. Những tiêu chí “cà phê hữu cơ”, “cà phê ứng dụng công nghệ cao” đều là giải pháp cụ thể để các nhà đầu tư tính toán ra những thành quả chất lượng. Những cơ hội tham gia các hệ thống phân phối qua logictisc, tổ chức quản lý chuỗi giá trị nông sản, các bài toán môi trường nông nghiệp… là nền tảng chính sách mà các nhà quản lý đưa ra. Đấu nối tốt những mắt xích này, các nhà đầu tư sẽ tự nhiên có được những hạt cà phê chất lượng hơn, để nhắm đến những tiêu chí thị trường cao hơn, và giá bán cụ thể cao hơn.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.