Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế tập thể, trợ lực xây dựng nông thôn mới

08:09, 20/06/2023

Các mô hình kinh tế tập thể đang thể hiện vai trò là trợ lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Krông Ana.

Huyện Krông Ana có 22 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp (gồm: 10 HTX trồng trọt, 8 HTX thủy lợi, 3 HTX dịch vụ tổng hợp, 1 HTX thủy sản); 13 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp; 64 trang trại đang hoạt động khá hiệu quả.

Theo đánh giá của UBND huyện, các HTX trên địa bàn huyện đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong quá trình xây dựng NTM ở địa phương. Nhiều mô hình kinh tế tập thể đã chú trọng đến hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm ngày càng nhiều.

Điển hình như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thăng Bình I (xã Quảng Điền) đã thực hiện liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị từ việc cung ứng giống lúa chất lượng cao, hỗ trợ kỹ thuật đến việc sơ chế và bao tiêu sản phẩm; qua đó, tăng thu nhập tối thiểu 28% (so với sản xuất lúa thương phẩm) cho người tham gia sản xuất lúa.

Mô hình sản xuất lúa liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình I (xã Quảng Điền).

Bên cạnh việc chú trọng xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, các HTX ở địa phương còn tích cực chuyển đổi sản xuất theo hướng áp dụng quy trình canh tác mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung để cung ứng sản phẩm có chất lượng ra thị trường.

 

Để kinh tế tập thể ở địa phương tiếp tục có bước phát triển mới, góp phần tích cực thực hiện chương trình xây dựng NTM, các HTX trên địa bàn huyện Krông Ana mong muốn tiếp tục được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; thực hiện các mô hình, dự án phát triển nông nghiệp chất lượng cao; phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch. Đồng thời, được hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp; tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ quản lý cho HTX...

Từ năm 2019 đến nay, HTX Thương mại và Dịch vụ Quỳnh Tân (thị trấn Buôn Trấp) đã bền bỉ thực hiện sản xuất cà phê chất lượng cao. Hiện 67 thành viên của HTX tham gia sản xuất cà phê chất lượng cao có chứng nhận Rain Forest trên diện tích 35 ha. Đơn vị đã mua toàn bộ sản phẩm cà phê đạt chất lượng của các thành viên với giá thành cao hơn thị trường từ 8.000 - 10.000 đồng/kg nhân. Ông Nguyễn Viết Tốt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cho biết, lợi ích mang lại từ việc sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng cao được nông dân dễ dàng nhận thấy thông qua lợi nhuận thu về. Điều này càng khuyến khích bà con tiếp tục tham gia vào chuỗi sản xuất có chứng nhận, hình thành thói quen sản xuất mới, bền vững và bảo vệ được môi trường canh tác, từ đó mối quan hệ liên kết giữa nông dân và HTX được kết nối chặt chẽ hơn.

Xác định rõ vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển, huyện Krông Ana chú trọng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX, THT ở địa phương phát triển. Ngành nông nghiệp huyện thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh đối với các HTX, THT và trang trại nông nghiệp để hướng dẫn xây dựng, triển khai thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, từ đó giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con khu vực nông thôn. Đồng thời, quan tâm phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, thực hiệu có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Nhờ đó, 7/7 xã của huyện đều có HTX hoạt động hiệu quả theo đúng quy định của Luật HTX, trong đó 2 HTX có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực. Toàn huyện có 5/7 xã đạt chuẩn NTM đối với tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (tiêu chí số 13).

Nông dân tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận tại Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Quỳnh Tân (thị trấn Buôn Trấp).

Trong định hướng hoạt động để khơi dậy vai trò khu vực kinh tế tập thể, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, huyện đặt ra mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn, xây dựng nền nông nghiệp hướng đến sản xuất ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM ở địa phương.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc