Multimedia Đọc Báo in

Tổ chức pháp lý ở các khu đô thị: Yêu cầu tất yếu!

07:59, 18/06/2023

Không ít chủ đầu tư dự án đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng đã rút ra bài học “đắng” khi chỉ chú ý vào pháp lý đất đai, nhà cửa, mà quên hợp tác chính quyền cơ sở xây dựng những khung pháp lý dân sự, hỗ trợ cư dân.

Xét về mặt quy hoạch nhất là sự định hình các khu đô thị mới, với địa phương có tính đặc thù như Đắk Lắk, vấn đề pháp lý, an ninh cơ sở lại càng cần thiết.

Cần pháp lý để an cư

Ông Trần Anh Thuận, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, địa bàn phường Tân An đang là một trong những trọng điểm đầu tư đô thị của địa phương. Một số khu đô thị mới, như khu đô thị Ân Phú (Hà Huy Tập), Eco City Premia và một số dự án đô thị đang quy hoạch, như VN Đà thành, Cụm công nghiệp Tân An… đều nằm ở địa bàn. Do đó, chính quyền cơ sở luôn xác định trách nhiệm công tác tổ chức dân sự địa phương. Dưới sự chỉ đạo của UBND TP. Buôn Ma Thuột, lãnh đạo phường Tân An luôn theo sát, hỗ trợ kịp thời những hoạt động triển khai đầu tư, định hướng tổ chức quần thể dân cư ở địa bàn, theo từng dự án cụ thể. Trong đó, vấn đề pháp lý cư dân, đảm bảo đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi đi vào sinh sống tại các khu đô thị mới là rất quan trọng.

Đây là một góc nhìn mới, rất cần được quan tâm thỏa đáng và thiết thực với các dự án đầu tư, phát triển đô thị. Bài học từ một số đô thị ở các thành phố lớn đi trước đã cho thấy, khi các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến cơ hội quy hoạch sở hữu nhà đất thuộc các dự án, tính pháp lý chỉ dừng lại ở những bản đồ thiết kế, quy hoạch “đến 1/500”, câu chuyện sẽ chỉ mới dừng ở bước đầu hình thành các khu đô thị. Sau những khu đất được phân lô bố trí cho người dân tự xây dựng nhà ở, những dãy phố liền kế thương mại, và những tòa nhà căn hộ chung cư, là cả một bài toán an ninh định cư cho người dân.

Người dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất ở, hoàn thành các nghĩa vụ pháp lý với Nhà nước về mặt tài nguyên và xây dựng, là kết thúc bước đầu tư, bước cơ bản cho “an cư lạc nghiệp”. Khi nhận đất, nhận nhà xong, cuộc sống thực tế của người dân tại nơi ở mới chính thức bắt đầu, cũng có nghĩa là, họ phải đối diện câu chuyện pháp lý xã hội, pháp lý thân nhân cho bản thân và gia đình. Có các chứng thực này, người dân mới sinh hoạt, được hưởng những quyền lợi chính đáng; và nhất là về mặt an ninh trật tự, được bảo vệ nghiêm túc. Cho nên, tổ chức pháp lý ở các khu dân cư, khu đô thị sau đầu tư, là biện pháp rất cần thiết, mà phải thực hiện qua hợp tác cùng chính quyền cơ sở.

Các dự án đô thị rất cần thiết lập quan hệ với chính quyền cơ sở và tổ chức tư vấn pháp lý cho người dân. Trong ảnh: Khu đô thị Ân Phú (TP. Buôn Ma Thuột) đang trong quá trình hoàn thiện.

Yêu cầu an ninh đô thị

Tại các khu đô thị mới, từ địa chỉ nhà ở, giấy tờ tùy thân làm lại mới, đến giấy phép kinh doanh, khai báo thuế ở các căn hộ nhà ở thương mại, nếu không liên lạc cùng tổ chức từ đầu với chính quyền cơ sở, người dân sẽ vướng mắc về sau. “Bởi các dự án đều do cấp thành phố, cấp tỉnh duyệt đầu tư, nên khi khớp nối tổ chức với cấp cơ sở, luôn có sai lệch về quản lý hành chính và hạ tầng, nên việc triển khai đô thị hóa không thể bỏ qua khâu kết nối với chính quyền sở tại được”, ông Trần Anh Thuận phân tích.

Sự định hình các khu đô thị mới cũng đồng nghĩa với việc hình thành những cấp chính quyền cơ sở mới, đảm bảo việc tổ chức an ninh trật tự, giữ gìn an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trên địa bàn một cách tích cực hơn. Thay vì phải có phần lo lắng khi tự bảo vệ bản thân với nhà cửa trong ruộng rẫy canh tác, người dân điều chuyển vào trong các khu đô thị sẽ được bảo vệ an toàn hơn, được tổ chức củng cố an ninh trật tự. Chỉ nói về vấn đề y tế sức khỏe, phòng, chống cháy nổ…, các khu đô thị có đủ điều kiện bảo vệ an toàn cho cư dân bên trong, hơn là những xóm dân cư tự phát hay khu trang trại tự bảo quản của người dân.

Đại diện truyền thông khu đô thị Ân Phú cho biết, trong phác thảo triển khai ở dự án, những vấn đề pháp lý dân sinh sau đầu tư đã được chủ đầu tư tính đến và hợp tác chính quyền địa phương nghiên cứu các giải pháp thực thi về sau. Các hạng mục đầu tư dân sinh ở dự án này, như nhà sinh hoạt cộng đồng, trường mẫu giáo, khu xử lý nước thải… đều chỉ là những tiền đề để hỗ trợ người dân trong khu đô thị được bảo đảm các quyền lợi sinh hoạt tốt hơn. Không những được cấp quyền sở hữu nhà đất hợp pháp theo quy định, người dân cần được hỗ trợ tính pháp lý về sinh hoạt về sau, với các hợp đồng mua bán điện, cấp thoát nước, xử lý rác thải… và ngay cả cấp căn cước công dân, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế tự nguyện… Nếu xảy ra những sự cố thiên tai, địch họa, tai nạn…, cư dân ở khu đô thị cũng sẽ được bảo vệ an toàn hơn, được đền bù thỏa đáng nếu bị tổn thương… Đây đều là những vấn đề quan trọng đối với cuộc sống người dân, mà các dự án đầu tư, phát triển đô thị mới có đủ điều kiện tương tác, hỗ trợ hiệu quả, cùng chính quyền cấp cơ sở thực thi đầy đủ cho người dân.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.