Multimedia Đọc Báo in

Nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị

14:12, 20/09/2023

Sáng 20/9, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.

Tham dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX tỉnh Nguyễn Thiên Văn; đại diện các sở, ngành, địa phương và các HTX trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị
Các đại biểu dự hội nghị.

Thời gian qua, Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX tỉnh đã giúp UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết những công việc liên quan đến đổi mới, phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách và giải pháp nhằm đổi mới, phát triển KTTT, HTX. Công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX tại các cấp, các ngành có chuyển biến tích cực.

Đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 746 HTX, 5 liên hiệp HTX và 403 tổ hợp tác, trong đó có 612 HTX, liên hiệp HTX và 403 tổ hợp tác đang hoạt động. Giai đoạn 2021 – 2023, trên địa bàn tỉnh có 213 HTX được thành lập, đạt 101% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, bình quân hằng năm có khoảng 71 HTX được thành lập. Hằng năm, KTTT, HTX đóng góp 3,9% - 4,07% vào cơ cấu kinh tế  của tỉnh.

Các sở, ngành, địa phương đã triển khai hiệu quả những chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX. Giai đoạn 2021 - 2023, 57 HTX thành lập mới được hỗ trợ, với tổng kinh phí là 600 triệu đồng.

Cơ quan chức năng đã hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho 68 HTX, với kinh phí 678 triệu đồng; hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho 10 HTX, tổng kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng; tổ chức 125 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, với  5.046 lượt người được tham gia…

 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng các tập thể có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2023.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng các tập thể có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2023.

Theo đánh giá của các đại biểu, KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền trong xây dựng và phát triển KTTT, HTX ở nhiều nơi còn thiếu kiên quyết; hệ thống chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ; nguồn kinh phí hỗ trợ khu vực KTTT, HTX còn hạn chế, chậm được bố trí; hoạt động của HTX, tổ hợp tác còn thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên kết hệ thống cả về kinh tế, xã hội và tổ chức…

Các cá nhân xuất sắc nhận Bằng khen của UBND tỉnh
Các cá nhân xuất sắc nhận Bằng khen của UBND tỉnh

Nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả của KTTT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX tỉnh Nguyễn Thiên Văn đề nghị thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm thống nhất và nâng cao nhận thức, hành động về KTTT, HTX.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về HTX, tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, Liên minh HTX tỉnh và Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX tỉnh; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích cho thành viên trong HTX.

Xây dựng các mô hình HTX kiểu mới và triển khai hiệu quả Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động xã hội hóa để phát triển, nhân rộng các mô hình KTTT, HTX sản xuất theo chuỗi giá trị…

Tại hội nghị, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2023.

Minh Chi – Phương Thảo

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.