Multimedia Đọc Báo in

Quản lý thuế mua bán sầu riêng: Không bỏ sót nguồn thu

06:48, 14/09/2023

Nông dân Đắk Lắk đang bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng. Năm nay, hoạt động mua bán, vận chuyển sầu riêng đang diễn ra nhộn nhịp do giá sầu riêng cao hơn so với những năm trước. Công tác quản lý thuế đang được ngành thuế cũng như các địa phương siết chặt.

Huyện Krông Pắc là "thủ phủ" sầu riêng của tỉnh với diện tích 7.000 ha, trong đó có 4.000 ha đang thu hoạch, sản lượng 56.000 tấn. Trước khi vào vụ thu hoạch, UBND huyện Krông Pắc đã giao các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh mua, bán sầu riêng, xây dựng và cho thuê kho. Theo đó, các đội nghiệp vụ của Công an huyện phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk) kiểm tra chứng từ, hóa đơn khi vận chuyển hàng hóa, các điểm tập kết, bến bãi, phương tiện vận chuyển trên địa bàn huyện đối với mặt hàng sầu riêng xuất bán, vận chuyển ra ngoài; xử lý nghiêm đối với các trường hợp trốn thuế và gian lận thương mại, bán hàng không lập hóa đơn, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Là một trong những đơn vị chủ công, Chi cục Thuế huyện Krông Pắc đã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh mua bán sầu riêng trên địa bàn các xã, thị trấn kê khai nộp thuế đúng quy định. Đồng thời, kiểm tra, theo dõi các công ty, doanh nghiệp mua bán, kinh doanh sầu riêng và xây dựng, cho thuê kho. Trên địa bàn huyện hiện có 81 doanh nghiệp ngoại tỉnh và 30 hộ dân địa phương thu mua, kinh doanh sầu riêng. Từ đầu vụ thu hoạch sầu riêng đến nay, trên địa bàn huyện đã thu hơn 850 triệu đồng thuế khoán của các hộ kinh doanh sầu riêng và hoạt động xây kho, cho thuê kho tập kết sầu riêng.

Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Cư M’gar – Buôn Đôn kiểm tra một cơ sở kinh doanh sầu riêng trên địa bàn.

Ông Phạm Văn Lượng, Giám đốc bộ phận xuất nhập khẩu của Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cho biết, vụ sầu riêng năm 2023, đơn vị dự kiến thu mua, xuất khẩu 4.000 – 5.000 tấn quả tươi. Doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ thuế và sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách theo quy định, gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài và thuế thu nhập cá nhân cho lao động làm việc.

Tại huyện Cư M’gar, chính quyền địa phương đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành chống thất thu thuế đối với lĩnh vực mua bán sầu riêng; chốt ở những tuyến đường chính vận chuyển sầu riêng ra khỏi địa bàn huyện. Đoàn liên ngành xây dựng quy chế hoạt động, kiểm tra hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa của các tổ chức, cá nhân lưu thông qua địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Riêng ngành thuế, thành lập tổ kiểm tra hoạt động kinh doanh, mua bán sầu riêng, cho thuê kho; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, cho thuê kho thực hiện đăng ký, kê khai nộp thuế. Ông Lê Xuân Bẩy, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Cư M’gar – Buôn Đôn cho biết, năm nay địa phương có hơn 1.000 ha sầu riêng cho thu hoạch, sản lượng hơn 20.000 tấn. Mua bán sầu riêng là hoạt động kinh doanh mang tính thời vụ nên từ đầu tháng 8/2023, đơn vị đã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar thu thập, nắm bắt thông tin về mã vùng trồng, diện tích nhằm quản lý tận gốc sản lượng sầu riêng xuất ra khỏi địa bàn, tạo điều kiện để người dân bán sầu riêng thuận lợi nhất, nhưng vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ về thuế, không để bỏ sót nguồn thu. Chi cục Thuế chủ động rà soát các cơ sở thu mua sầu riêng trên địa bàn; tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo quy định. Theo đó, doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, nếu mua trực tiếp từ người sản xuất thì hướng dẫn làm bảng kê, mua của thương lái thì phải có hóa đơn, chứng từ. Với cá nhân hộ kinh doanh mua bán sầu riêng thì kê khai để quản lý thuế theo phương pháp khoán. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, nhiều thương lái vào mua sầu riêng trực tiếp tại vườn của dân, trong khi số lượng công chức thuế và phương tiện có hạn nên công tác quản lý thuế sầu riêng gặp nhiều khó khăn.

Một điểm thu mua sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Đắk Lắk hiện có 22.500 ha sầu riêng, với sản lượng trên 200.000 tấn. Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo ngành thuế và các địa phương tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động mua bán sầu riêng năm 2023. Cụ thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền để mọi người dân và tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán sầu riêng trên địa bàn biết về các quy định của pháp luật thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh sầu riêng, từ đó chấp hành nghiêm túc việc kê khai, nộp thuế theo quy định; chỉ đạo ngành nông nghiệp và UBND cấp xã thực hiện rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân có trồng, mua bán sầu riêng trên địa bàn; tổ chức làm việc trực tiếp để hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế theo quy định, đảm bảo 100% tổ chức, cá nhân có phát sinh doanh thu, thu nhập từ hoạt động kinh doanh mua bán sầu riêng phải được quản lý thu thuế.

Đối với ngành thuế, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để quản lý thu thuế theo đúng quy định; điều tra, xác định doanh thu, mức thuế phải nộp của từng hộ, doanh nghiệp đảm bảo sát với thực tế hoạt động kinh doanh; kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với những trường hợp cố tình lập bảng kê mua trực tiếp của nông dân để hợp thức hóa sầu riêng mua của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh khác, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc mua bán của các hộ kinh doanh trên địa bàn, định kỳ ghi nhận về số lượng sầu riêng mua vào, tồn tại kho, giá bán… để quản lý tốt doanh thu bán ra.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.