Multimedia Đọc Báo in

Tìm giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam

12:35, 11/09/2023

Sáng 11/9, tại TP. Buôn Ma Thuột, Báo Nông nghiệp Việt Nam - đơn vị Thường trực Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, Sở NN-PTNT Đắk Lắk, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tổ chức Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”.

Diễn đàn có sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại đầu cầu Bộ NN-PTNT và gần 300 đại biểu tham dự tại điểm cầu chính. Ngoài ra, diễn đàn còn kết nối hơn 1.000 điểm cầu trực tuyến là các sở/ban/ngành thuộc các tỉnh, thành có vùng trồng sầu riêng; các chủ nhà vườn, HTX, nông dân, doanh nghiệp, hiệp hội, ngân hàng, tổ chức, nhà nhập khẩu tham gia phát triển chuỗi ngành hàng sầu riêng Việt Nam.

ảnh
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại đầu cầu Bộ NN-PTNT.

Theo số liệu tại diễn đàn, đến nay cả nước có hơn 112.000 ha sầu riêng, với tổng sản lượng khoảng 900.000 tấn. Trong 5 năm gần đây, diện tích sầu riêng tăng rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng gần 25%, trong đó tập trung ở một số vùng chính, như: Tây Nguyên (hơn 52.000 ha); Đồng bằng sông Cửu Long (33.000 ha); Đông Nam Bộ (21.000 ha) và một số địa phương khác. Riêng tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 23.000 ha (đứng thứ hai cả nước sau tỉnh Tiền Giang), trong đó có khoảng 50% diện tích đã cho thu hoạch, với sản lượng năm 2023 ước tính khoảng 200.000 tấn.

ảnh
Các đại biểu tham dự diễn đàn tại điểm cầu TP. Buôn Ma Thuột.

Khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc được ký kết đã tạo ra cơ hội và động lực mạnh mẽ phát triển ngành hàng sầu riêng, làm gia tăng đáng kể thu nhập, lợi nhuận cho người nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng.

Dự kiến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước sẽ đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tuy nhiên, do sự tăng nóng về giá đã gây ra hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết đang diễn ra ở các vùng trồng sầu riêng trong cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, dẫn đến vi phạm các quy định của Nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn…

ảnh
Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương phát biểu tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, chia sẻ về những bất cập, khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức sản xuất, chế biến, thương mại, xuất khẩu ngành hàng sầu riêng Việt Nam. Và mong muốn, các tác nhân trong ngành hàng cùng “ngồi với nhau”, thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, tồn tại của ngành hàng sầu riêng. Từ đó, cùng hành động, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định, pháp luật, hành vi sản xuất, liên kết, thương mại, xuất khẩu không trong sáng để bảo vệ thương hiệu và ngành hàng sầu riêng Việt Nam.

Bên cạnh đó, đại diện các cơ quan chuyên môn tham dự diễn đàn còn phổ biến rộng rãi những quy định: về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm; về hợp đồng kinh tế, thương mại nông sản, liên kết sản xuất; về việc xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm sẽ được ban hành trong nghị định mà Bộ NN-PTNT trình Chính phủ mới đây. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và có những hành động cụ thể, quyết liệt để bảo vệ, phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng đến đông đảo quần chúng nhân dân, các cấp chính quyền, hệ thống chính trị, hợp tác xã, doanh nghiệp và bà con nông dân trồng sầu riêng.

ảnh
Đại diện các hợp tác xã phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển, phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất (nông dân) và tiêu thụ (doanh nghiệp). Việt Nam cần kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước; chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải tham gia từ đầu cùng nông dân, giúp người dân có đầy đủ thông tin để điều chỉnh sản xuất.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, thông qua diễn đàn sẽ tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất với nhau. Bên cạnh đó, phải nhận thức rõ, phát triển bền vững ở đây không phải là cây sầu riêng bền vững mà là con người tham gia vào chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững.

Minh Thuận

 

 

 


Ý kiến bạn đọc