Multimedia Đọc Báo in

Đường lớn đã mở...

09:24, 31/10/2023

Đại lộ Đông Tây được khánh thành trong tâm thế hân hoan của những cư dân địa phương. Con đường nối từ sân bay Buôn Ma Thuột về trung tâm thành phố đã ngắn hơn một phần, song quan trọng là phía sau dự án này, câu chuyện sức vóc đô thị mới Buôn Ma Thuột được khơi gợi mạnh mẽ hơn.

Có một sự tương đồng đặc biệt, khi nhìn TP. Buôn Ma Thuột hôm nay và TP. Đà Nẵng những năm 2006 – 2009. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng những câu chuyện đô thị hóa của hai vùng đất có những nét tương hợp đáng lưu tâm. Một số chuyên gia tư vấn đô thị nhìn nhận, Đà Nẵng giai đoạn trước năm 2009 cũng hừng hực một khí thế vượt tầm, muốn là thủ phủ kinh tế miền Trung, định vị rõ dáng dấp đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương. Buôn Ma Thuột hôm nay cũng giữ một tâm thế đó, cũng đầy những trăn trở để phát triển đô thị lên một tầm cao mới.

Công trình đại lộ Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột chính thức khánh thành đưa vào sử dụng. Ảnh: Vạn Tiếp

Mà điều rất giống nhau, là Đà Nẵng từng nỗ lực đầu tư, thông xe con đường đại lộ Đông Tây nối từ sân bay Đà Nẵng về trung tâm thành phố, từng bước cải tạo khuôn viên thành phố cũ từ tốc độ lan tỏa hạ tầng của tuyến giao thông này.

Cho đến nay, đại lộ Đông Tây Đà Nẵng đã là tuyến đường Nguyễn Văn Linh, trục thương mại sang trọng rộng rãi nhất thành phố biển này. Từ đại lộ Đông Tây cũ, Đà Nẵng đã phóng tầm nhìn đầu tư hạ tầng kinh tế sang bên kia bờ sông Hàn, bằng chiếc cầu Rồng nổi tiếng và liền cả một trục giao thoa Võ Văn Kiệt – Võ Nguyên Giáp xuyên ra bờ biển Sơn Trà. Diện mạo một thành phố mới đã hiện dần lên theo bước tiến ấy.

Hôm nay, giữa cao nguyên, lại đến lượt TP. Buôn Ma Thuột khánh thành đại lộ Đông Tây. Những nhà đầu tư kinh tế địa phương đánh giá trục đường này có sự khác biệt, không chỉ ở rút ngắn cự ly, mà nâng cao tầm vóc đô thị Buôn Ma Thuột lâu nay chưa có tuyến đường nào được mở rộng khang trang và có những ưu thế mặt bằng dọc tuyến như con đường này.

Phía sân bay Buôn Ma Thuột, người ta có thể hình dung một không gian mới sẽ được cải tạo, hoán đổi các dự án lâm nghiệp tại chỗ thành những khu đô thị mới, trong một ngày không xa. Phía trung tâm thành phố, điểm nhấn Đông Tây với các trục đường cắt nối Lê Duẩn, Đinh Tiên Hoàng… dẫn tiếp đến những khu dân cư, khu đô thị mới đang được hiệu chỉnh quy hoạch. Thành phố sẽ có thêm nhiều cơ hội cải thiện hạ tầng kỹ thuật, khi cơ hội thương mại hóa sau đại lộ Đông Tây được kích hoạt.

Điều phải lo và chuẩn bị tốt, chính là tâm thức quản lý của các cấp chính quyền và sở ngành chức năng sẽ thế nào. Có những lời khuyên từ các nhà tư vấn đang được đặt ra rất sát sườn, là TP. Buôn Ma Thuột phải kiên định “không thổi giá đất” mà phải tập trung đầu tư, khai thác được hiệu quả “trên đất”.

Đó là những vùng quy hoạch mới, sẽ có chiến lược đầu tư, chính sách thu hút các nhà đầu tư như thế nào, để họ xây dựng những hệ thống dịch vụ, sản phẩm, từ sản xuất đến bán hàng, một cách hiệu quả nhất. Khai thác tốt những công trình trên đất, sẽ mọc lên theo xu hướng phát triển đô thị của Buôn Ma Thuột, để những công trình đó là điểm đến đầu tư, mở ra những cơ hội kinh doanh thương mại lớn, mới là mục tiêu phát triển bền vững.

Nếu Buôn Ma Thuột không nhấn mạnh vấn đề này, để thị trường địa ốc tự do “thổi giá”, đẩy giá đất nền lên cao, sẽ là hiểm họa “bong bóng đất” mà nhiều tỉnh thành đi trước đã va vấp. Đà Nẵng sau con đường Đông Tây được khơi thông, cũng đã bị “va” vào tình trạng đó, cho đến nay vẫn rất khó khăn để giải quyết. Bài học kinh nghiệm đắt giá này, nhất định TP. Buôn Ma Thuột phải tránh và dựa vào thực lực nền kinh tế sở tại để có hướng khai thác cơ hội tích cực hơn, chuẩn xác hơn.

Đại lộ Đông Tây góp phần nâng tầm vóc đô thị Buôn Ma Thuột. Ảnh: Vạn Tiếp

Có thể nói, tuyến đường lớn giữa lòng Buôn Ma Thuột đã mở, câu chuyện một đô thị hứa hẹn vươn tầm với những hoạch định mới, về hàng hóa thương mại, về các dịch vụ phát triển như logistics, bao bì, chế biến chuyên sâu, ứng dụng công nghệ mới cải thiện giao tiếp tài chính… đã đến lúc được đặt ra. Sức mạnh thủ phủ kinh tế Tây Nguyên đã có điểm sáng để bắt đầu chuyển dịch. Đó thật sự là vấn đề trọng yếu mà TP. Buôn Ma Thuột cần định vị.

Liệu thành phố này có tận dụng được hết những cơ hội từ chính sách ưu đãi mà Trung ương đã phê duyệt, từ thực tế nền kinh tế đầu tư địa phương đã vượt qua và đang đi đến những mốc tăng trưởng mới, từ hiện trạng còn ngổn ngang yêu cầu kiểm soát, ngăn ngừa những diễn biến bất lợi từ kinh tế tự do? Những câu hỏi đó, rất cần được chính quyền và các cấp ngành địa phương chú ý.

Đại lộ Đông Tây khơi thông, chính là một nhánh dòng chảy đầu tư kinh tế đã khơi mạch, TP. Buôn Ma Thuột nắm chắc lấy, sẽ là rạng rỡ cao nguyên!

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.