Sắp xếp tài sản dôi dư: Bất cập và lúng túng (kỳ 3)
Kỳ cuối: Tài sản công - không để lãng phí
Nhà, đất là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Thế nhưng, thực trạng công tác quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch còn nhiều bất cập đã và đang dẫn đến lãng phí nguồn lực tài sản công này. Việc xử lý nhà, đất dôi dư làm sao để vừa tránh lãng phí nhưng vẫn phải đảm bảo theo quy định của pháp luật đang là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Linh hoạt tận dụng nhà đất dôi dư
Hiện nay, một số đơn vị, địa phương đã có biện pháp linh hoạt trong việc quản lý, sử dụng trụ sở nhà, đất nhằm tránh lãng phí, hư hỏng. Theo đó, với các trụ sở không được lựa chọn sử dụng thì được điều chuyển, bàn giao cho các thôn, buôn sử dụng làm nhà văn hóa cộng đồng; nơi hội họp cho người dân hay nơi làm việc cho các tổ chức, hội đoàn thể của các cơ quan nhà nước còn khó khăn về nơi làm việc.
Ông Phạm Văn Phúc, Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Cư Kuin cho biết, đến thời điểm hiện tại, địa phương đã thực hiện việc rà soát lại nhà, đất thuộc phạm vi quản lý và xây dựng theo phương án sắp xếp lại, xử lý. Theo đó, ngoài 5 trụ sở thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, địa phương có 86 trụ sở thực hiện theo phương án giữ lại, tiếp tục sử dụng và 14 trụ sở thực hiện điều chuyển.
Điểm lẻ Trường Mầm non Hoa Cúc (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) sau khi sáp nhập được chuyển công năng thành hội trường thôn 3, xã Ea Tiêu. Ảnh: Trường Giang |
Đơn cử như ở xã Ea Tiêu, ba điểm lẻ Trường Mầm non Hoa Cúc (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) ở thôn 3, thôn 6 và thôn 86 sau khi sáp nhập vào điểm trường chính đã được địa phương đề xuất xin điều chuyển thành nhà văn hóa của các thôn này. Theo một người dân ở thôn 3 (xã Ea Tiêu), trước đây thôn 3 không có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng, do đó, mỗi lần họp dân, ban tự quản thôn phải mượn một căn phòng nhỏ của doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn thôn để tổ chức họp. Đến khi điểm trường mẫu giáo của thôn sáp nhập và chuyển công năng thành nhà văn hóa thì các hộ dân trong thôn đã đóng góp gần 80 triệu đồng để sửa chữa, cải tạo và mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt chung.
Cũng cách làm ấy, hai phân hiệu Trường Mẫu giáo Anh Đào (thôn 4, xã Cư Êwi) và Trường Mẫu giáo Hoa Hồng (thôn 1C, xã Cư Êwi) sau khi sáp nhập vào điểm chính cũng được chuyển công năng thành nhà văn hóa thôn.
“Việc điều chuyển quyền sử dụng cơ sở nhà, đất dôi dư cho các đơn vị, địa phương có nhu cầu sử dụng không những tránh được sự lãng phí mà còn góp phần tạo thuận lợi, giải quyết nhu cầu làm việc, học tập, sinh hoạt của cán bộ, nhân dân địa phương” – Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi (huyện Lắk) Hoàng Thanh Bé. |
Tương tự, ở xã Đắk Phơi (huyện Lắk), sau khi ba điểm lẻ Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm ở buôn Pai Ar, Liêng Ông và Tơr Lông sáp nhập vào điểm trường chính, trụ sở các điểm trường lẻ này được UBND tỉnh bàn giao cho UBND xã quản lý và sử dụng. Theo đó, UBND xã Đắk Phơi đã tạm thời bàn giao lại cho ban tự quản các buôn quản lý và sử dụng để sinh hoạt cộng đồng. Đây cũng là cách làm để gắn trách nhiệm của cán bộ, cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ các trụ sở, tránh hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí tài sản công.
Kỳ vọng vào chính sách mới
Hiện nay, việc thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang được áp dụng theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (Nghị định 151) ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Sau gần 6 năm có hiệu lực, Nghị định 151 là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, Nghị định 151 cũng bộc lộ những hạn chế như: Chưa có quy định về trình tự, thủ tục giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan, tổ chức, đơn vị; thẩm quyền quyết định bảo dưỡng, sửa chữa, thuê đơn vị có chức năng quản lý, vận hành tài sản công; khai thác tài sản công sau thu hồi…
Theo Bộ Tài chính, qua thực tiễn triển khai việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Việc lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết theo các tiêu chí như quy định hiện hành gặp nhiều khó khăn do không có cơ sở để đánh giá, chấm điểm đối với từng tiêu chí. Hơn nữa, trong thực tế có một số trường hợp trong quá trình thực hiện liên doanh, liên kết vì lý do bất khả kháng, đối tác không thể tiếp tục thực hiện nên đề nghị chấm dứt hợp đồng trước hạn. Tuy nhiên, quy định hiện hành không có quy định cụ thể cho trường hợp này, dẫn đến lúng túng trong xử lý…
Trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (cũ) nằm ở vị trí đắc địa nhưng để không từ nhiều năm nay. Ảnh: Trường Giang |
Trước thực trạng đó, Bộ Tài chính đã có tờ trình về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151. Hiện đã lấy ý kiến lần hai đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định này.
Theo đó, Dự thảo nghị định sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan nhà nước; về bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công; về khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước và tài sản công có quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền… Bộ Tài chính đã đặc biệt quan tâm đến việc xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể…
Phó Giám đốc Sở Tài chính Lê Danh Thắng cho hay, những vướng mắc trong giải quyết, xử lý các tài sản dôi dư sau sáp nhập, giải thể hoặc chuyển địa điểm mới không chỉ riêng ở tỉnh Đắk Lắk mà đây là khó khăn chung đối với tất cả địa phương trên phạm vi cả nước. Do vậy, địa phương cũng kỳ vọng vào việc sửa đổi, bổ sung quy định mới thay thế quy định hiện hành nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý về lĩnh vực này. Đồng thời, giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc quản lý và sử dụng tài sản công được giao ngày càng hiệu quả hơn.
Xuân Trường - Tam Giang
Ý kiến bạn đọc