Multimedia Đọc Báo in

"Xanh hóa" hoạt động kinh doanh

07:10, 09/10/2023

Từ xu hướng “kinh doanh xanh”, một số cơ sở kinh doanh như nhà hàng, quán cà phê đã có những giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, từ đó xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực với người tiêu dùng.

Thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần

Chị Nguyễn Thị Mai, chủ một quán cà phê ở thôn 3, xã Ea Kao (T.P Buôn Ma Thuột) cho biết, mỗi ngày quán của chị có khoảng 100 – 150 khách, kể cả khách ngồi tại quán hay mua mang đi đều được phục vụ nước bằng ly nhựa và ống hút nhựa. Vẫn biết như vậy sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường vì gây ra lượng rác thải nhựa lớn nhưng chị lại chưa thể thay đổi do cách này giúp tiết kiệm chi phí và giảm công nhân viên rửa ly.

Giống như chị Mai, đa số cửa hàng bán đồ ăn thức uống trên địa bàn tỉnh đang thải ra môi trường một lượng lớn rác nhựa mỗi ngày. Với những ưu thế như tiện dụng, giá thành rẻ, sản phẩm nhựa dùng một lần ngày càng được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, những sản phẩm này lại là mối đe dọa không chỉ đối với môi trường, hệ sinh thái mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nhận thấy tác hại đó, nhiều chủ cửa hàng đã dần thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm làm từ tre, thủy tinh, giấy… để góp phần bảo vệ môi trường.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Linh (chủ quán cà phê KoKy) dùng những sản phẩm từ chất liệu thân thiện với môi trường trong kinh doanh.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Linh, chủ quán cà phê KoKy (phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Khi mới mở quán, tôi cũng sử dụng các sản phẩm dùng một lần, nhưng nhận thấy lượng ly nhựa, ống hút nhựa thải ra môi trường mỗi ngày quá lớn, tôi đã quyết tâm phải thay đổi. Sau 3 tháng kinh doanh, tôi đã chuyển qua sử dụng các loại ly, chai đựng nước ép, ống hút bằng chất liệu thủy tinh, vừa dễ vệ sinh vừa có thể tái sử dụng trong thời gian dài, tính ra chi phí ngang với khi sử dụng đồ nhựa. Với khách mua về, thường tôi sẽ đựng nước trong các loại chai nhựa tái sử dụng và ống hút giấy. Sau khi uống xong, khách hàng có thể rửa sạch và mang tới cửa hàng mua nước trong lần tới. Tôi sẽ giảm giá 10% cho khách tự mang vật dụng đựng nước, điều này sẽ dần hình thành thói quen hạn chế sử dụng đồ nhựa cho khách hàng”.

Tận dụng rác thải nhà bếp

Thay vì sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, nhiều nhà hàng đã tận dụng các loại rác thải nhà bếp làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Việc tận dụng rác thải nhà bếp đúng cách, hiệu quả sẽ góp phần không nhỏ vào việc trồng, chăm sóc cây xanh, cũng như giảm thiểu lượng lớn chất thải ra môi trường.

Chị Nguyễn Thị Kim Thanh, chủ nhà hàng chay Đàn Hương (phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) bày tỏ: “Sau một thời gian kinh doanh, nhận thấy có khá nhiều rau, củ, quả hư hỏng, dư thừa không dùng hết nên tôi đã tìm hiểu cách làm phân bón để tránh lãng phí và bảo vệ môi trường”. Theo đó, chị Thanh thu gom toàn bộ rau hư, thừa sau khi bán hàng đưa về nông trại tại xã Cư Suê (huyện Cư M'gar) ủ với men vi sinh thành phân bón, dùng để bón cho rau củ được trồng tại nông trại và cây cảnh trong khuôn viên nhà hàng.

Chị Nguyễn Thị Kim Thanh (chủ nhà hàng chay Đàn Hương) dùng chế phẩm sinh học từ nước vo gạo để tưới cho cây trồng.

Ngoài ra, chị Thanh còn tự làm chế phẩm sinh học từ nước vo gạo để tưới cây. Mỗi ngày, chị lấy nước vo gạo bỏ vào lọ thủy tinh, sau 5 - 7 ngày nước gạo kết tủa, lọc lấy phần nước trong, hòa thêm sữa tươi không đường và thu chế phẩm sau một tuần chờ lên men. Với khoảng 1 lít chế phẩm này, chị pha thêm với 10 lít nước sạch và sử dụng để tưới cây. Theo chị Thanh, tác dụng của chế phẩm sinh học làm từ nước vo gạo là cải tạo đất, tăng khả năng kháng bệnh cho cây. Cũng chính từ đây, một số rau củ cung cấp cho nhà hàng đều là rau hữu cơ do chính tay chị trồng, từ đó khách hàng cũng an tâm hơn khi có trải nghiệm ăn uống tại quán.

Bằng các giải pháp hợp lý, hiệu quả, sự chung tay hành động của các chủ cơ sở kinh doanh cùng sự ủng hộ của người tiêu dùng sẽ thúc đẩy phát triển xu hướng “kinh doanh xanh”, góp phần bảo vệ và xây dựng môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp..

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.