Multimedia Đọc Báo in

Cần có sự hỗ trợ để tuân thủ "luật lệ"

08:40, 01/11/2023

Với 16 FTA đang thực thi đã mở ra cho ngành hàng cà phê Việt Nam nhiều thời cơ, nhưng cũng không ít thách thức phải chuyển đổi để tuân thủ những “luật lệ” mới từ Liên minh châu Âu (EU) và các thị trường trên thế giới.

Dưới đây là những ý kiến được phóng viên Báo Đắk Lắk ghi nhận từ các đơn vị sản xuất, nhà quản lý về những khó khăn và giải pháp để tận dụng các FTA nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất.

* Ông Trần Đình Trọng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng:

Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để tiếp cận trực tiếp thị trường EU

Ông Trần Đình Trọng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng.

Hợp tác xã hiện đã xây dựng được nguồn nguyên liệu ổn định với 1.400 ha ở xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). Trong quá trình sản xuất, chế biến, HTX cũng đã tuân thủ đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn để được xuất khẩu. Tuy nhiên, do còn khó khăn về vốn, mặt bằng, kho bãi, máy móc, công nghệ nên HTX vẫn chưa đủ năng lực để xuất khẩu. Vì vậy, đến nay HTX vẫn chỉ là đơn vị trực tiếp sản xuất và cung ứng cà phê cho các doanh nghiệp để xuất qua một số nước như: Hà Lan, Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Nhật Bản. HTX hy vọng, nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước, trong thời gian tới đơn vị sẽ có được những lô hàng xuất khẩu trực tiếp sang thị trường EU.

* Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương:

Doanh nghiệp phải đầu tư khoa học, công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh

Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương.

Để tạo ra lợi thế cạnh tranh khi hội nhập, doanh nghiệp phải đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh bằng các phần mềm quản lý sản xuất, kinh doanh tự động hoặc bán tự động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư cho nguồn nhân lực, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Phát triển thương mại điện tử, đưa hàng hóa Việt Nam tham gia vào các kênh phân phối của nước ngoài. Bên cạnh đó, phải nắm bắt thông tin về thị trường, tìm hiểu những ưu đãi thuế quan của các khu vực có FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới để có kế hoạch đáp ứng hàng hóa xuất khẩu bền vững theo tiêu chuẩn thị trường lựa chọn, phù hợp với lợi thế của địa phương.

* Ông Lê Văn Vương - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công:

Cần thông tin cho doanh nghiệp về những quy định, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu

Lê Văn Vương - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công.

Với xu hướng nâng tầm giá trị cà phê Việt, hiện nay công ty đang sản xuất cà phê theo quy trình hữu cơ và đã xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản, Mỹ. Khi bán sang các thị trường được xem là “khó tính” này, lợi nhuận mà công ty thu về khá cao, đây cũng là động lực lớn để công ty mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện tại, công ty đang đàm phán để cung cấp mặt hàng cà phê rang xay cho Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty đang gặp “vướng” về các thủ tục, quy định để có thể xuất bán được sang thị trường này. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các bộ, ngành cần thông tin về những quy định, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu để doanh nghiệp nắm rõ. Qua đó, giúp doanh nghiệp có định hướng kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để kịp thời đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Lê Minh - Mai Nguyễn (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc