Multimedia Đọc Báo in

Nhà ở xã hội cho người lao động: Minh bạch và thiết thực

08:54, 26/11/2023

Theo chương trình phát triển nhà ở TP. Buôn Ma Thuột, giai đoạn 2023 - 2025, địa phương sẽ bố trí hơn 6.655 căn hộ xã hội cho người lao động. Trước mắt, trong năm 2023 này sẽ có hơn 1.000 căn hộ nhà ở xã hội được đầu tư, với tinh thần minh bạch và thiết thực vì người lao động, đặc biệt là công nhân.

Ông Lê Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh, chỉ đạo của tỉnh là nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện các chính sách, điều kiện hỗ trợ, ưu đãi để người lao động mua nhà ở xã hội; thu hút, vận động các chủ đầu tư dự án đô thị tham gia; và tổ chức giám sát chặt chẽ chất lượng các công trình.

Tiến độ song hành trách nhiệm

Theo Sở Xây dựng, chủ trương chung xây dựng nhà ở xã hội đang vận dụng ba hình thức đầu tư. Thứ nhất là nhà ở xã hội do ngân sách nhà nước đầu tư. Thứ hai là do các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, nhất là các đơn vị có nhu cầu xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động của mình. Thứ ba là các hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư nhà ở xã hội trên diện tích đất hợp pháp.

Khu vực bố trí quy hoạch xây dựng dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Ân Phú.

Với vai trò tham mưu chính, Sở Xây dựng đang triển khai các bước hoàn thiện chính sách, vận động đầu tư và theo dõi các công trình nhà ở xã hội. Căn cứ chỉ tiêu được ban hành theo Quyết định 338 (ngày 3/4/2023) của Thủ tướng Chính phủ, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025, đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh. Sở đã tham mưu UBND tỉnh vận dụng các cơ chế, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt các dự án; quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân độc lập, tại các vị trí phù hợp, quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng, đặc biệt tại TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ… Đồng thời, Sở phối hợp các cơ quan, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Đáng chú ý là Sở phối hợp các chủ dự án đô thị áp dụng 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng để đầu tư nhà ở xã hội theo quy định. Theo đó, các dự án được khuyến khích triển khai đúng tiến độ; tính toán nâng cao chất lượng nhà ở xã hội tương đương với nhà ở thương mại; cơ cấu giá thành hợp lý để người lao động thu nhập thấp, công nhân các doanh nghiệp đều có thể mua được nhà ở.

Cơ hội thực sự cho người lao động

Với sự xúc tiến từ địa phương và các sở, ngành ở Đắk Lắk, dự án chung cư nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư đầu tiên đã được Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Ân Phú khởi công tháng 10/2023. Hiện tại, doanh nghiệp đang triển khai xây dựng, đảm bảo chất lượng dự án và tính giá thành hợp lý để người lao động có thể mua, đúng chủ trương nhân văn của Đảng và chính quyền các cấp.

Dự kiến trong tháng 12/2023, các tòa nhà ở xã hội dự án Ân Phú sẽ xong phần móng, người lao động có thể chính thức đăng ký hồ sơ mua để cấp thẩm quyền phê duyệt, tiến đến ký hợp đồng mua và bàn giao xây dựng trong năm 2024.

Để khích lệ nguồn lực xã hội, Nhà nước sẽ ưu đãi các chủ đầu tư theo Điều 58 Luật Nhà ở năm 2014, như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn ưu đãi; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật…

Để bảo đảm tính minh bạch trong đăng ký mua nhà ở xã hội, Sở Xây dựng sẽ hướng dẫn chủ đầu tư tập hợp danh sách người lao động có nhu cầu, trình hội đồng thẩm duyệt tỉnh xem xét, chọn đúng các đối tượng đủ yêu cầu và điều kiện mua nhà ở xã hội, là chưa có nhà và đất ở, thu nhập ổn định, đủ khả năng tài chính mua, vay mua nhà… Trong đó, công nhân đang làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp được ưu tiên xem xét; cùng với các nhóm cán bộ, viên chức các cơ quan, công sở TP. Buôn Ma Thuột, người lao động trên địa bàn, các đối tượng chính sách xã hội… Như thế, người lao động sẽ thực sự có cơ hội tìm hiểu thông tin, và đăng ký vào danh sách mua nhà ở xã hội trên địa bàn một cách công khai, minh bạch.

Giá bán, cho thuê, mua nhà ở xã hội sẽ do chủ đầu tư xác định theo hướng dẫn tại Thông tư 09 ngày 16/8/2021 của Bộ Xây dựng; và Quyết định 35 ngày 15/9/2022 của UBND tỉnh Đắk Lắk về ban hành quy định khung giá bán nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư ở địa bàn. Chủ đầu tư sẽ thỏa thuận với các ngân hàng đồng hành để đưa ra các gói giải pháp hỗ trợ cho người lao động được vay mua nhà ở xã hội trên tinh thần tích cực nhất, lãi suất hợp lý và thời hạn có thể đến 20 năm. Dự kiến, giá bán nhà ở chung cư xã hội tại khu đô thị Ân Phú sẽ dao động từ 600 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/căn tùy diện tích và vị trí. Người lao động có thể chỉ trả trước 30% (tương đương 180 – 300 triệu đồng); còn lại được vay và trả dần cả gốc lẫn lãi với mức bình quân 4 – 5 triệu đồng/tháng.

Đây là những chỉ số giá bình quân dự kiến nhưng rất khả thi, ở trong khả năng thu nhập cho phép của người lao động, công nhân các doanh nghiệp trên địa bàn. Do đó, hiện tại các doanh nghiệp tại khu, cụm công nghiệp đều đang chú ý tiến độ dự án và thời điểm chính thức đăng ký hồ sơ mua nhà cho công nhân lao động. Ngoài ra, nhiều công nhân, viên chức các cơ quan, đoàn thể, công sở tại địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng rất quan tâm, xác định đây thực sự là cơ hội sở hữu nhà ở hợp lý với họ.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.