Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế từ chăn nuôi dê

08:26, 09/11/2023

Tận dụng lợi thế nguồn thức ăn dồi dào, điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển chăn nuôi dê, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau một thời gian nuôi heo rừng nhưng hiệu quả không cao, cuối năm 2021, với 10 triệu đồng tiền vốn, vợ chồng anh Nguyễn Đình Khải (thôn 1, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đã mua 4 con dê giống Boer lai về nuôi.

Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn dê của gia đình anh Khải đã sinh trưởng và phát triển rất tốt, nhân đàn lên đến vài chục con. Từ ngày bắt đầu nuôi đến nay, anh đã xuất bán hai lứa dê thịt, mỗi lứa 10 con, cho thu nhập khoảng 35 triệu đồng.

Anh Khải chia sẻ: “Dê là loài động vật dễ nuôi, dễ chăm sóc, có tốc độ sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn nên nhanh thu hồi vốn. Từ ngày nuôi dê, vợ chồng tôi không tốn quá nhiều chi phí, thời gian và công sức. Chỉ cần dành thời gian khoảng 1 - 2 giờ mỗi ngày để đi cắt lá và cho dê ăn, chuồng trại chỉ cần dọn dẹp 1 - 2 lần/tuần”.

Ông Trần Đắc Vạn (thôn 12, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) chăm sóc đàn dê của gia đình.

Gia đình ông Trần Đắc Vạn (thôn 12, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) hiện cũng đang nuôi 13 con dê cái và 1 con dê đực. Theo ông Vạn, dê là vật dễ nuôi, thức ăn rất dễ kiếm ở vùng nông thôn nhờ tận dụng các loại cây, rau, cỏ có sẵn xung quanh nhà như lá keo, lá mít, dâm bụt... vì vậy chi phí thức ăn thấp hơn so với các vật nuôi khác. Bình quân mỗi năm một con dê sẽ đẻ 2 - 3 lứa, mỗi lứa được 2 con, có những lứa lên đến 3 - 4 con. Cứ sau 3 - 4 tháng, ông Vạn xuất bán một lứa, trung bình mỗi con từ 20 - 30 kg, bán giá bình quân dao động từ 85.000 - 90.000 đồng/kg; sau khi trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông lãi từ 35 - 40 triệu đồng mỗi năm.

Ông Trương Văn Na (thôn 6, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) đã tìm hiểu, xây dựng chuồng trại nuôi dê từ năm 2012. Giai đoạn đầu chăn nuôi dê, ông gặp nhiều khó khăn do chưa hiểu hết tập tính của loài vật này. Dần dần, nhờ chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, đàn dê của gia đình đã không ngừng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, gia đình ông Na đang nuôi 40 con dê, bình quân mỗi năm xuất bán 2 - 3 lứa dê thịt, cho thu nhập 50 - 60 triệu đồng.

Chăn nuôi dê đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Bên cạnh việc tạo thu nhập ổn định từ việc xuất bán dê thịt, dê giống thì bán phân dê làm phân bón cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho các hộ chăn nuôi dê. Mô hình nuôi dê rất thích hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu ở nhiều địa phương. Các mô hình nuôi dê đã giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới về giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Ngọc Thùy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.