Quy định mức chi hỗ trợ các hoạt động phòng chống thiên tai
UBND tỉnh vừa có Quyết định ban hành Quy định chi tiết nội dung chi và mức chi của Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, về chi hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai: hỗ trợ tối đa cho người dân khi thực hiện sơ tán là 100 nghìn đồng/người/ngày.
Đối với người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ 120 nghìn đồng/người/ngày cho lực lượng được huy động tham gia ứng phó thiên tai; chi hỗ trợ tối đa cho một người/ngày bằng 2 lần ngày công lao động trung bình tính trên cơ sở mức lương tối thiểu vùng (theo quy định của Chính phủ) cho lực lượng tuần tra, kiểm tra phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai, sự cố công trình phòng, chống thiên tai…
Lực lượng công an và bộ đội biên phòng tham gia ứng phó thiên tai trên địa bàn huyện Ea Súp (Ảnh minh họa) |
Về chi cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thiên tai, gồm: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực (thời gian cứu trợ không quá 3 tháng), hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng; cứu trợ khẩn cấp nước uống, thuốc chữa bệnh, sách vở, phương tiện học tập và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, mức chỉ hỗ trợ tối đa 200 nghìn đồng/người/đợt thiên tai.
Đối với hỗ trợ tu sửa nhà ở cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai: thiệt hại trên 70%, mức hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ; thiệt hại từ 30% – 70%, mức tối đa 20 triệu đồng/hộ; thiệt hại dưới 30%, mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/hộ.
Đối với các trường hợp khác có nhà bị hư hỏng do thiên tai, mức hỗ trợ tối đa bằng 50% mức hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với các trường hợp: hỗ trợ tu sửa cơ sở y tế, trường học, nhà kết hợp làm địa điểm sơ tán phòng tránh thiên tai; hỗ trợ tháo bỏ hạng mục, vật cản gây nguy cơ rủi ro thiên tai; hỗ trợ xử lý đảm bảo giao thông thông suốt cho những đoạn tuyến giao thông đường bộ quan trọng trên địa bàn bị sụt trượt, sạt lở; hỗ trợ kinh phí tu sửa, xử lý và xây dựng khẩn cấp công trình phòng, chống thiên tai, sẽ tùy vào khả năng cân đối của Quỹ, mức chi không quá từ 1 – 3 tỷ đồng/công trình.
Nhà dân bị ngập do mưa lũ trên địa bàn huyện Ea Súp hồi tháng 8/2023. (Ảnh minh họa) |
Đối với chi hỗ trợ xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai, tối đa 10 triệu đồng/xã, phường, thị trấn bị ảnh hưởng; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, thực hiện theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng thiên tai, dịch bệnh.
Về chi hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa thiên tai, như hỗ trợ sắp xếp, di chuyển dân cư ra khỏi vùng thiên tai, nguy hiểm (thực hiện đối với hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp), mức tối đa 30 triệu đồng/hộ.
Đối với các hoạt động khác như: thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai; hỗ trợ mua bảo hiểm rủi ro thiên tai cho đối tượng tham gia lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; hỗ trợ diễn tập phòng, chống thiên tai ở các cấp; hỗ trợ mua sắm, đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai…, mức chi thực hiện theo dự toán được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với khả năng cân đối của Quỹ.
Ngoài ra, nội dung của quyết định này cũng quy định về: chi phí quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh; phân bổ cho UBND cấp huyện, cấp xã sử dụng Quỹ…
UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai quyết định này; theo dõi, kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 03/12/2023 và thay thế Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND ngày 25/01/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy định việc phân cấp cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã sử dụng nguồn thu từ Quỹ Phòng, chống thiên tai và việc quản lý, sử dụng Quỹ thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc