Multimedia Đọc Báo in

Tín dụng chính sách: “Điểm tựa” cho người nghèo phát triển kinh tế

08:30, 27/11/2023

Thời gian qua, nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) làm “điểm tựa”, cùng ý chí vươn lên phát triển kinh tế, nhiều người dân trên địa bàn huyện Krông Ana đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trước đây, mặc dù có gần 1 ha đất sản xuất nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Mười (xã Bình Hòa) vẫn sống trong cảnh thiếu trước hụt sau. Do 5 sào cà phê của gia đình đã già cỗi nên năng suất, chất lượng kém; cùng với gần 5 sào lúa ở vùng thấp trũng, thường xuyên bị ngập lụt khiến thu hoạch chỉ đủ ăn, không có dư để bán.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Ana kiểm tra mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình anh Nguyễn Văn Mười (xã Bình Hòa).

Đầu năm 2022, trong một lần tình cờ đến thăm nhà bạn tại huyện Buôn Đôn, được tham quan và tìm hiểu mô hình nuôi ốc bươu đen, anh đã “nuôi” ý tưởng phát triển kinh tế từ mô hình này.

Nghĩ là làm, tháng 6/2022, được Tổ tiết kiệm và vay vốn tư vấn, anh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ cận nghèo của NHCSXH để tái canh cà phê và chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi ốc bươu đen.

Theo đó, anh đã đầu tư gần 20 triệu đồng mua 3 vạn con giống và cải tạo hơn 1 sào đất trồng lúa thành hồ nuôi ốc. Nhờ được bạn hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật nên việc nuôi ốc của gia đình anh rất thuận lợi. Đến nay, anh thu được trên 1 tấn ốc/năm, bán với giá 70 nghìn đồng/kg.

Anh Mười chia sẻ: “Đầu ra của ốc bươu đen rất ổn định, hiện khách lẻ và các quán ăn tại thị trấn Buôn Trấp đặt mua liên tục, có thời điểm bị “cháy” hàng. Bởi vậy, gia đình tôi dự định mở rộng thêm diện tích ao hồ để nuôi số lượng nhiều và cung cấp con giống cho bà con có nhu cầu. Tôi rất mong NHCSXH tạo điều kiện cho vay thêm vốn để tôi nhân rộng, phát triển mô hình”.

Mô hình trồng nha đam từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách của gia đình bà Trần Thị Dung (xã Băng A Drênh).

Chồng mất sớm, bà Trần Thị Dung (xã Băng A Drênh) trở thành trụ cột của gia đình, một mình nuôi con ăn học nên kinh tế rất khó khăn. Nhờ tiếp cận vốn vay ưu đãi của tín dụng chính sách, cùng với sự cần cù, chịu khó, bà đã vươn lên “đổi đời” với mô hình kinh tế tổng hợp.

Năm 2021, thông qua cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ, bà vay được 30 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Từ khoản vay này, bà mua phân bón, cải tạo đất chăm sóc 1 ha cà phê của gia đình. Ngoài ra, bà còn mua giống cây nha đam về trồng trên diện tích 1 sào đất trong vườn nhà. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây không phát triển, còi cọc. Không nản lòng, bà đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những hộ trồng nhiều nha đam tại thôn Quỳnh Ngọc (xã Ea Na).

Được hướng dẫn nuôi gà thả vườn để bớt phải làm cỏ và cây nha đam phát triển nhanh nên đầu năm 2023, bà áp dụng nuôi 100 con gà thịt và cần mẫn chăm sóc. Vườn nha đam đang phát triển ổn định, sau 40 ngày, bà sẽ cắt một đợt khoảng 4 tấn, thu được từ 10 - 12 triệu đồng. Bà Dung cho hay: “Hiện tại, ngoài thu nhập từ trồng nha đam, niên vụ cà phê năm nay, dự kiến gia đình thu được khoảng 3 tấn cà phê nhân. Ngoài ra, gia đình còn có nguồn thu 15 - 20 triệu đồng/năm từ bán gà thịt”.

Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Ana Huỳnh Thị Lữ Ái cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, có 2.256 khách hàng được vay vốn ưu đãi, với số tiền hơn 101 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện hiện đạt trên 398 tỷ đồng, tăng gần 32,5 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Vốn vay đã được người dân đầu tư vào các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh… với hàng nghìn con trâu, bò sinh sản; chăm sóc hàng nghìn héc ta cà phê, lúa nước và phát triển nhiều mô hình trang trại chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện sẽ tiếp tục điều hành hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn có hiệu quả, đảm bảo cung cấp dịch vụ đến 100% người nghèo và các đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn. Đồng thời, tiếp tục phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Sau 20 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 78, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Ana đã cho vay trên 1.178 tỷ đồng. Vốn ưu đãi đã giúp 6.590 hộ thoát nghèo, 961 hộ được giải quyết việc làm, trên 4.880 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn được xây dựng…

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.