Multimedia Đọc Báo in

Củng cố nguồn lực nội tại, tiếp tục bứt phá trong năm 2024

20:47, 08/12/2023

Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào nội dung phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Qua đó có thể thấy rằng tình hình KT-XH của tỉnh năm 2023 đạt nhiều kết quả nổi bật nhưng cũng còn đó những băn khoăn, trăn trở từ ý kiến của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành, địa phương cùng đại biểu HĐND quan tâm, hiến kế đề ra những giải pháp đột phá, hiệu quả để đạt mục tiêu năm 2024 và những năm tiếp theo…

*Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn NGUYỄN HOÀI DƯƠNG:

Bức tranh nông nghiệp có nhiều khởi sắc 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương. Ảnh: Vạn Tiếp

Năm 2023 ngành nông nghiệp có nhiều khởi sắc, đạt kết quả khá tốt. Đến nay, tăng trưởng chung của ngành đạt khoảng 4,8%, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 13% so với năm 2022. Trong đó, điển hình nhất là lĩnh vực trồng trọt, những cây trồng chủ lực như: cà phê, tiêu, lúa gạo, sầu riêng có giá trị gia tăng cao.

Chúng ta đã làm tốt việc liên kết sản xuất, phát triển mới 90 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, đưa tổng số HTX nông nghiệp toàn tỉnh lên gần 550 HTX, (vượt 100% kế hoạch). Việc sản xuất theo chứng nhận cũng được quan tâm, nhiều vùng sản xuất cà phê, tiêu, sầu riêng có chứng nhận đã được mở rộng ở nhiều địa phương.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng duy trì đà tăng trưởng tốt. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp tuy còn nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục, xử lý nhưng ý thức trách nhiệm về quản lý, bảo vệ rừng và vấn đề tập trung giám sát xử lý đã được tăng cường nên số vụ vi phạm giảm so với những năm trước.

Có thể thấy bức tranh nông nghiệp của tỉnh năm 2023 đã có nhiều khởi sắc, với những tiến bộ, chuyển biến tích cực mà chúng ta cần tiếp tục phát huy trong những năm tiếp theo.

Thời gian tới, chúng ta cần kiên trì xây dựng vùng sản xuất tập trung với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo hướng đồng nhất về chất lượng và quy mô lớn để tạo ra sản lượng lớn phục vụ cho chế biến, xuất khẩu.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiến bộ trong canh tác, chăm sóc gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận của thế giới; tiếp tục phát triển HTX, nâng cao chất lượng, vai trò, khả năng quản trị của HTX để phát huy hiệu quả.

Cùng với đó, thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đến tỉnh liên kết hợp tác tạo ra những vùng sản xuất tập trung chất lượng cao đi đôi với đầu tư cơ sở nhà máy chế biến; tập trung quảng bá xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thu nông sản, đặc biệt là những mặt hàng thế mạnh như: cà phê, tiêu, sầu riêng…

*Giám đốc Sở Công thương LƯU VĂN KHÔI:

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại thị trường trong nước và quốc tế

Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Khôi đóng góp ý kiến thảo luận tại Kỳ họp. Ảnh: Vạn Tiếp

Năm 2023 dù gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt khoảng 1,6 tỷ USD, đạt kế hoạch đề ra.

Để đạt được kết quả này là sự nỗ lực, năng động rất lớn của doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ và chế biến nông sản. Các doanh nghiệp đã rất nỗ lực trong việc tăng cường chế biến sâu các sản phẩm nông sản, năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, ngoài những thị trường truyền thống thì vừa qua cũng có nhiều sản phẩm được xuất khẩu qua thị trường mới. Bên cạnh đó, cũng nhờ sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan đơn vị. Trong năm 2023, ngành Công thương đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở các thị trường trong nước và quốc tế như Trung Quốc, Châu Âu…

Năm 2024 dự báo tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn đặt ra mục tiêu là duy trì tổng kim ngạch xuất khẩu trên 1,6 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi phải triển khai nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ các nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt phải chú trọng hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Trong đó, Sở Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cũng như trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm để có hình thức đẹp, bắt mắt thu hút người tiêu dùng…

*Bí thư Huyện ủy Krông Pắc TRẦN HỒNG TIẾN:

Tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến. Ảnh: Vạn Tiếp

Được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, năm 2023 ngoài dự án đường tránh đông TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pắc có trên 30 km phải giải phóng mặt bằng của dự án đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, đi qua huyện có tổng chiều dài hơn 30 km.

Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; chỉ đạo các cấp ngành, đặc biệt là UBND huyện thành lập các tổ kiểm đếm, lên phương án đẩy nhanh tiến độ GPMT.

Đến nay, huyện đã hoàn thành trên 98% tiến độ GPMT. Đây là sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân. Hy vọng đến ngày 30/12/2023, huyện sẽ hoàn thành 100% kế hoạch để bàn giao cho đơn vị thi công.

Sau khi cơ sở hạ tầng được đầu tư, chúng tôi hy vọng đây là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Đắk Lắk và các địa phương có tuyến đường đi qua. Vì sau khi tuyến đường cao tốc được hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian, giúp khâu vận chuyển hàng hóa được thuận tiện, rẻ hơn.

Trong quá trình quy hoạch tỉnh, huyện chúng tôi đã đề xuất đón đầu khi đưa tuyến đường cao tốc này vào. Đặc biệt là quy hoạch các cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu tập trung để từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của địa phương, hy vọng đây sẽ là cầu nối không chỉ giúp huyện à nhiều địa phương khác cũng được hưởng lợi, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, năm 2023 có rất nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng rất nhiều đến các chỉ tiêu phát triển KT-XH mà HĐND tỉnh đã đề ra. Chính vì vậy, để thúc đẩy KT-XH năm 2024, chúng tôi đề xuất các giải pháp, đặc biệt là giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thuận lợi đầu tư; từ đó tạo cú hích cho kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt, phải bảo đảm an ninh trật tự địa phương để các nhà đầu tư an tâm khi đến Đắk Lắk…

*Chủ tịch UBND huyện Ea Súp NGUYỄN VĂN NHIỆM:

Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Nguyễn Văn Nhiệm. Ảnh: Vạn Tiếp

Năm 2023 các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ea Súp cơ bản hoàn thành, có chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra, nhất là chỉ tiêu thu ngân sách vượt 10%. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công của huyện đến nay đạt 90%, chỉ tiêu giảm nghèo cũng đạt yêu cầu là 4% trở lên. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu an sinh xã hội, quốc phòng an ninh cũng đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Hiện nay, huyện Ea Súp đang thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: chương trình giảm nghèo bền vững; chương trình đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và chương trình nông thôn mới. Nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND huyện đã thành lập ban chỉ đạo để xây dựng kế hoạch năm 2023.

Trong đó, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là xây dựng nhà ở cho người nghèo trên địa bàn huyện. Thời gian qua, các chương trình mục tiêu quốc gia đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân; những kết quả đạt được đã giúp cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi của huyện được triển khai đồng bộ, góp phần ổn định đời sống nhân dân, từng bước giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn. Để triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian tới, huyện sẽ tập trung cải thiện nhà ở cho nhân dân; tạo việc làm, đào tạo nghề cho cho người lao động; hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó thúc đẩy giảm nghèo.

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đề nghị cấp có thẩm quyền tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho huyện, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội, bồi dưỡng tập huấn, nâng cao năng lực giảm nghèo của các hộ gia đình cũng như thôn, buôn vùng sâu vùng xa…

Lan Anh – Như Quỳnh (thực hiện)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.