Multimedia Đọc Báo in

Dự án đô thị không chỉ là những dự án xây nhà

08:29, 10/12/2023

Trong xu thế phát triển đô thị chung, đã có một giai đoạn dài, các dự án đầu tư đô thị mới chỉ chú trọng mục tiêu cung ứng số lượng lớn các căn hộ, biệt thự quy mô, giá trị cao, đón đầu nhu cầu nhà ở.

Để rồi sau những diễn biến bất lợi của thị trường, người ta hiểu ra nguyên tắc “xây nhà để ở”, theo đó, ý tưởng hình thành những khu đô thị đủ tiện ích, tạo những hệ sinh thái cư dân bên trong, lan tỏa ra ngoài mới là thành công cốt lõi của các đô thị.

Nói riêng tại TP. Buôn Ma Thuột, những năm qua, sự hiện diện các khu đô thị mới ở vành đai ngoài trung tâm thành phố ngày một rõ nét hơn. Những dự án này giúp giải quyết những yêu cầu gì về tầm nhìn của một đô thị lớn vươn đến ước mơ loại 1 trực thuộc Trung ương, thực sự là trung tâm vùng?

Không chỉ là những dự án xây nhà

Các chuyên gia từ Hiệp hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận, đã đến lúc vấn đề đầu tư những khu vực đô thị mới, tại các thành phố đang phát triển cần được nhận diện mục tiêu rõ hơn. Đó phải là những địa chỉ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị một cách hoàn thiện, đầy đủ các yếu tố hiện đại, văn minh, đáp ứng tốt nhu cầu an cư, sinh hoạt bền vững cho cư dân.

“Xây nhà để ở” là tiêu chí quan trọng của các dự án này. Các cơ quan quy hoạch phải căn cứ số dân hiện hữu, điều tra diện tích nhà ở cần xây mới, cần tăng thêm, mới chính thức định vị quy mô đô thị mới thế nào. Bài toán này được tính đúng, các khu đô thị đáp ứng tốt và ngay xu hướng phát triển, vấn đề quy hoạch đô thị mới hiệu quả. Nếu tính sai, đô thị mới sẽ là những dự án “xây nhà để bán”, khó có đầu ra, gây nên những tác hại khôn lường cho thị trường nhà ở đô thị.

Phối cảnh khu nhà ở chung cư xã hội tại khu đô thị Ân Phú, điểm liên kết hạ tầng dân sinh.

Quan trọng hơn, khi các dự án đô thị hình thành, việc xây dựng hệ sinh thái cư dân bên trong mới là mấu chốt. Nếu nhà đầu tư chỉ tạo ra đô thị bê tông, nhà cao cửa rộng, mà không có đủ hạ tầng văn hóa xã hội để cư dân sinh hoạt thuận tiện; nhất là không giúp cải thiện sinh kế người dân, các khu đô thị sẽ không có sinh khí phát triển. Bài học từ các nhà quy hoạch châu Âu cho thấy, người dân ở các khu đô thị không phải để hưởng thụ các tiện ích, mà còn là tìm được giải pháp tăng thu nhập. Một đô thị chỉ thực sự thành công khi cư dân ở đó có việc làm, có thu nhập trong nhà mình.

Mở rộng phạm vi, nếu đô thị nào có thêm tính liên kết cùng sử dụng những tiện ích hạ tầng xã hội như trường học, khu thương mại… với những đô thị liền kề, cùng tạo quang cảnh phát triển cả một vùng đô thị lớn, bức tranh quy hoạch địa phương sẽ càng sáng tỏ hơn.

Liên kết đô thị để phát triển

Vùng quy hoạch phía bắc đường vành đai phía tây TP. Buôn Ma Thuột đã và đang hình thành những khu, cụm dự án đô thị mới, có diện tích trải rộng hàng trăm héc ta, với những tính toán thiết kế khu đô thị khang trang, hiện đại, vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, vừa tiên phong tạo những nguồn sinh kế mới, đón đầu số lượng thị dân mới đang dần tập trung thu hút về.

Theo đó, các nhà quy hoạch xây dựng đang mong muốn các chủ đầu tư có giải pháp khai thác, đầu tư các hạng mục hạ tầng đô thị, cùng tạo quan hệ liên hoàn phát triển. Đơn cử dự án khu đô thị Ân Phú (đường Hà Huy Tập) đầu tư 3 nhóm hạng mục hạ tầng nhà ở, gồm khối nhà phố mặt tiền đường lớn, trung tâm thương mại chính, nhóm đất nền để người dân tự xây dựng nhà ở, và dự án chung cư nhà ở xã hội. Ba nhóm nhà và đất ở này sử dụng chung các tiện ích kỹ thuật, giúp hình thành cộng đồng dân cư tương hỗ nhau, từ các doanh nhân, nhà kinh doanh phát triển dịch vụ, thương mại, đến người lao động thu nhập thấp, cung ứng lao động tại chỗ. Giữa các nhóm cư dân, rất dễ hình thành quan hệ hợp tác, cung ứng việc làm, cung ứng lương thực, thực phẩm, các dịch vụ gia đình, chăm sóc sức khỏe… đa dạng và linh hoạt. Theo đó, người dân ở trong khu đô thị sẽ thuận tiện tìm được việc làm, khéo léo thu xếp để tăng thu nhập. Sự hình thành quan hệ tạo sinh kế như vậy sẽ giúp khu đô thị sớm trở thành tiêu điểm hấp dẫn người dân vào chọn cơ hội an cư.

Một góc Dự án Khu đô thị dân cư Km7 (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Lê Lan

Bên ngoài khu đô thị này, có thể thấy những khu đô thị lân cận, như dự án Eco City cách chưa đầy 2 km. Khu đô thị này có mức đầu tư lớn hơn, với nhiều hạng mục đô thị mở rộng, như trường học liên cấp, các khối nhà dịch vụ thương mại lớn… Khi đô thị phát triển, rõ ràng người dân sẽ giao lưu sinh hoạt giữa hai dự án, dần sử dụng chung những tiện ích đầu tư, theo đó tạo nên sức mạnh đô thị cho toàn vùng. Như thế, các dự án khu đô thị mới thực sự hấp dẫn người dân, bảo đảm đời sống sinh hoạt của họ ngày càng thuận lợi và phát triển.

Đại diện chủ đầu tư dự án khu đô thị Ân Phú thông tin, về tương lai, doanh nghiệp đang triển khai một số dự án đô thị mới ở các tỉnh thành miền Trung. Tương lai gần, khi các khu đô thị này hình thành, chủ đầu tư có thể tổ chức kết nối quan hệ sinh hoạt, sinh kế của cư dân lại với nhau, từ tổ chức mua bán, trao đổi hàng hóa vùng miền, khu vực, đến tìm kiếm các dịch vụ tương hỗ cho nhau, chắc chắn sẽ định vị nên hệ thống đô thị liên kết rất bền vững. Những thị dân ở trong các khu đô thị này, vừa có điều kiện sinh hoạt thuận lợi, vừa có thể hợp tác sinh kế với nhau, có thêm thu nhập. Phát triển đô thị từ góc độ liên kết như vậy, mới thực sự thể hiện tầm nhìn quy hoạch bền vững của các địa phương.

Rõ ràng trong tính toán của các nhà quy hoạch, chính quyền địa phương, chiến lược phát triển các đô thị mới không hề chấp nhận sự đầu tư đơn lẻ, cục bộ, mà cần có các giải pháp chiều sâu, có tầm nhìn phát triển dài lâu. Các đô thị mới ở Buôn Ma Thuột đang từng bước thể hiện tầm vóc quy hoạch này, thực sự hướng đến những mục tiêu bền vững cho kinh tế - xã hội địa phương ở tương lai.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc