Multimedia Đọc Báo in

Mô hình kinh tế hiệu quả của cựu chiến binh

08:26, 07/12/2023

Quê ở tỉnh Cao Bằng, năm 1977 ông Hoàng Văn Thụ nhập ngũ, là vệ binh Công an vũ trang Cao Bằng, rồi làm Đồn phó quân sự - hậu cần Đồn Biên phòng Bí Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 93 (Hạ Lang Cao Bằng). Đến năm 1991, ông Thụ xuất ngũ. Một năm sau đó, ông Thụ đưa gia đình vào xây dựng kinh tế mới tại thôn 8, xã Ea Pil, huyện M’Drắk.

Trên quê hương mới, ông Thụ chăm chỉ lao động sản xuất, vừa tích cực tham gia công tác xã hội. Ông được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn, rồi lần lượt trải qua các chức vụ: Chủ tịch Ủy ban lâm thời xã Ea Pil, Chủ tịch HĐND xã, Chỉ huy trưởng Quân sự xã. Đến năm 2016, ông Thụ nghỉ hưu cùng với các con tập trung phát triển kinh tế gia đình.

Khi tham gia công tác tại địa phương, với tính chất công việc thường xuyên bám nắm cơ sở nên ông Thụ có nhiều cơ hội tham quan, học hỏi thực tế kinh nghiệm sản xuất của các hộ dân có mô hình hiệu quả tại địa phương. Vì vậy, khoảng năm 2010, ông Thụ mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích trồng mía kém hiệu quả, diện tích đất sỏi đá sang trồng thử nghiệm cây cao su và cây nhãn hương chi. Nhờ nắm chắc kỹ thuật canh tác nên các diện tích cây trồng của gia đình ông Thụ sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao.

Đến nay, gia đình ông Thụ đã quy hoạch thành công mô hình kinh tế đa cây với hơn 27 ha, trong đó có 18 ha cao su, 7 ha nhãn hương chi và 2 ha ao vừa nuôi ca, vừa cung cấp nước tưới cho diện tích canh tác của gia đình. Các mô hình kinh tế này mang lại nguồn thu cho gia đình ông mỗi năm trên 1,5 tỷ đồng. Mô hình sản xuất của gia đình ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương, với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Vào thời vụ, số lao động làm công nhật tại gia đình ông có lúc hơn 30 người.

Ông Hoàng Văn Thụ (bên trái) giới thiệu quy trình cạo mủ cao su.

Không chỉ dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, cựu chiến binh Hoàng Văn Thụ còn được biết đến là một người giàu lòng nhân ái. Khi điều kiện kinh tế gia đình khấm khá hơn, ông Thụ luôn quan tâm chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn của hội viên cựu chiến binh, người dân tại địa phương. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ máy móc, cây, con giống miễn phí cho các hộ khó khăn với trị giá hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông đã hiến hơn 3.300 m2 đất của gia đình xây dựng hội trường thôn và làm đường giao thông; luôn sẵn lòng đóng góp trong tất cả các khoản huy động của địa phương.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.