Phát huy vai trò “hạt nhân” của kinh tế tập thể
Phát triển kinh tế tập thể là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) và đây cũng chính là “hạt nhân” trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM của các địa phương.
Khẳng định vai trò “hạt nhân”
Xác định rõ tầm quan trọng của kinh tế tập thể (KTTT), những năm qua, việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của thành phần kinh tế này luôn là mục tiêu trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 518 hợp tác xã (HTX), 228 tổ hợp tác và 843 trang trại. Chất lượng hoạt động của khu vực KTTT ngày càng thực chất và hiệu quả hơn.
Riêng các HTX, hiện có trên 15.000 thành viên tham gia; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX khoảng 50 triệu đồng/năm.
Các HTX cùng với doanh nghiệp và nông dân đã tham gia sâu rộng vào quá trình xây dựng NTM trong việc tổ chức sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nông thôn.
Các thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) thu hoạch cà phê theo quy trình chế biến cà phê đặc sản. Ảnh: M.Thuận |
Một trong những HTX điển hình nhất tỉnh phải kể đến HTX Dịch vụ tổng hợp Thăng Bình (huyện Krông Bông). Sau 10 năm thành lập, hiện HTX đã xây dựng được 2 tổ liên kết, 4 tổ hợp tác tại các xã trong huyện, với diện tích liên kết sản xuất lên đến trên 800 ha và 580 thành viên.
Để nâng cao giá trị và đầu ra ổn định cho người trồng lúa tại địa phương, HTX đã liên kết với nhiều doanh nghiệp có quy mô và uy tín cao của ngành sản xuất lúa gạo trong nước để hợp tác sản xuất và tiêu thụ lúa gạo thương phẩm chất lượng cao như: ST24, ST25, RVT, Đài thơm 8...
Đồng thời, các hộ liên kết được hướng dẫn canh tác đúng quy trình sản xuất, nhờ đó nhiều hộ đã đạt năng suất trên 13 tấn/ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt hơn, HTX cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa sạch và thương hiệu “Gạo sạch Thăng Bình HTB”, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo và thu nhập của nông dân ở vùng đất khó.
Ngoài ra, HTX còn liên kết với Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk và Công ty Cổ phần Mía đường 333 xây dựng vùng sản xuất tập trung nguyên liệu mía đường huyện Krông Bông; tổ chức đầu tư và thu mua toàn bộ mía nguyên liệu cho thành viên và nông dân (dao động từ 130 – 300 ha). Hiện nay giá mía đang ở mức cao (1,1 triệu đồng/tấn mía nguyên liệu), mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân.
Thu hoạch trái bơ ở các hộ liên kết sản xuất của Hợp tác xã Bơ Đại Hùng (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: T. Nguyễn |
Cùng với HTX điển hình thì còn nhiều mô hình KTTT ở các địa phương đang mang lại hiệu quả tích cực. Tiêu biểu như huyện Krông Búk, đến nay có 25 HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp đang hoạt động hiệu quả. Các mô hình KTTT này tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng vươn lên giảm nghèo và làm giàu; thể hiện vai trò hướng dẫn các thành viên chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tổ chức các dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông sản; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản có lợi thế của huyện để hướng đến thị trường xuất khẩu.
Từ các mô hình liên kết sản xuất của HTX, huyện đã xây dựng và được cấp 51 mã vùng trồng, với diện tích trên 1.167 ha và 649 hộ tham gia, trong đó có 8 mã vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Từ đó xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, hộ nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Tập trung gỡ khó cho hợp tác xã
Đắk Lắk hiện đang đứng đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên về số lượng HTX nông nghiệp, trong đó có khoảng 200 HTX đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến phù hợp, liên kết sản xuất tạo ra những giá trị cao trong chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ. Đến nay đã có 124/152 xã đạt tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất); 26 HTX nông nghiệp đã có sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới. |
Mặc dù mô hình KTTT đang mang lại những kết quả tích cực, tuy nhiên cũng phải thừa nhận không ít HTX nông nghiệp còn gặp khó khăn về nguồn vốn sản xuất, thị trường tiêu thụ không ổn định; nhiều HTX chưa thực hiện tốt việc liên kết sản xuất với hộ nông dân và sản xuất chưa gắn với nhu cầu của thị trường; thiếu nhân lực quản trị và lao động đã qua đào tạo…
Đặc biệt là quá trình chuyển đổi số khu vực KTTT diễn ra chậm, hầu hết các HTX chưa có kế hoạch, định hướng về chuyển đổi số do hạ tầng thông tin của HTX ở mức thấp, có nhiều HTX còn chưa có trụ sở làm việc mà thường sử dụng nhà riêng để làm trụ sở giao dịch; nhân sự và năng lực của cán bộ HTX về kỹ năng sử dụng thiết bị số, kỹ năng tìm kiếm, đánh giá và quản trị thông tin trên thiết bị số còn rất hạn chế.
Mặt khác, hiện nay tuy đã có Luật HTX năm 2023 nhưng vẫn chưa có hiệu lực (hiệu lực từ ngày 1/7/2024) nên chưa thể gỡ vướng những nội dung bất cập ở Luật HTX năm 2012; việc triển khai các văn bản dưới Luật, trong đó có Nghị định 98/2018/NĐ-CP, ngày 05/7/2018 của Chính phủ về “Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” còn nhiều hạn chế, bất cập...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho khu vực KTTT, trong đó có HTX thì trước hết, chính quyền các cấp cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến để mọi chủ thể liên quan (nông dân, chính quyền địa phương, doanh nghiệp...) hiểu rõ bản chất HTX kiểu mới, vai trò quan trọng của HTX trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất và tham gia HTX.
Đồng thời, thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX nhằm tạo môi trường thuận lợi cho HTX kiểu mới phát triển, nhất là lĩnh vực tín dụng; thực hiện lồng ghép, kết hợp nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nhằm thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển HTX...
Vườn sầu riêng thuộc Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng bền vững Đồng Tâm (xã Ea Ngai, huyện Krông Búk). Ảnh: T. Nguyễn |
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, với những chính sách đã có, cần cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch để tạo điều kiện cho các HTX được tiếp cận với chính sách ưu đãi thuận lợi nhất, tránh trường hợp các đối tượng được thụ hưởng khó tiếp cận hoặc số lượng tiếp cận được chính sách ít. Bên cạnh đó, phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để làm đòn bẩy cho HTX nông nghiệp được nâng "chất", phù hợp với bối cảnh kinh tế hội nhập quốc tế.
Thuận Nguyễn - Lan Anh
Ý kiến bạn đọc