Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ phát triển kinh tế từ kinh doanh online

07:13, 12/12/2023

Từ những người phụ nữ “chân lấm, tay bùn”, các thành viên của Câu lạc bộ (CLB) “Nữ kinh doanh online” tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đã cùng nhau tìm hiểu, học hỏi hướng phát triển kinh tế mới nhằm mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Thành lập từ tháng 9/2023, chỉ sau 3 tháng hoạt động, CLB đã thu hút 11 thành viên tham gia. Chị Trịnh Thị Khoa, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Từ trước đến nay, đa số chị em ở khu vực xã Ea Kao chỉ có một nguồn thu nhập chính từ việc trồng trọt và chăn nuôi nên dễ lâm vào cảnh túng thiếu khi mùa màng thất bát. Sau một thời gian học hỏi và tập tành kinh doanh online, tôi nhận thấy việc này không quá khó nên thành lập CLB nhằm giúp các chị em trong xã được tiếp cận mô hình kinh doanh này, có thêm nghề tay trái để có thể chủ động hơn về kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống”. Là một nhân viên bưu điện, chị Khoa đã tích cực hỗ trợ các hội viên khác trong việc gửi hàng, theo dõi đơn và hỗ trợ khi có sai sót trong quá trình vận chuyển.

Việc kinh doanh online tuy mới mẻ nhưng đã mang lại kết quả rất khả quan với các thành viên CLB. Từ những người nông dân với nỗi lo mất mùa, hiện nay họ đã có thể làm chủ kinh tế và chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Các hội viên của Câu lạc bộ "Nữ kinh doanh online" sinh hoạt trao đổi kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh.

Vì đã khá lớn tuổi nên bà Phạm Thị Hạnh (45 tuổi, thôn 4) khá khó khăn trong việc tiếp cận mạng xã hội, làm quen với việc buôn bán online. Trước đây, kinh tế gia đình bà chủ yếu phụ thuộc vào việc trồng cà phê, thời điểm cà phê mất giá, bà làm thêm rượu nếp cẩm và tinh bột nghệ để kiếm thêm thu nhập. Dù sản phẩm hoàn toàn được làm thủ công từ những nguyên liệu sạch nhưng vẫn chưa tiếp cận được nhiều khách hàng, hầu hết hàng làm ra chỉ để bán cho người nhà và hàng xóm nên thu nhập không đáng kể. Từ khi gia nhập CLB, được các thành viên khác hướng dẫn cách sử dụng mạng xã hội, sản phẩm được quảng cáo tới nhiều bạn bè ở các tỉnh thành khác, lượng hàng bán ra ngày càng tăng, dần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình bà Hạnh.

Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, kinh doanh online còn tạo động lực cho phụ nữ người dân tộc thiểu số gìn giữ nghề truyền thống. Chị H’Dria Êban (34 tuổi, buôn H’đớk) có nghề may trang phục truyền thống của dân tộc Êđê, nhiều khi sản phẩm ế ẩm khiến chị cũng nản lòng và đã có ý định từ bỏ để làm công việc khác. Nhưng nhờ không gian mạng, chị đã tìm hiểu, học hỏi cách quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến với bạn bè trong cả nước. “Được các chị trong CLB chia sẻ hình ảnh sản phẩm, đơn đặt hàng ngày càng tăng, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Mỗi bộ trang phục gửi tới tay khách hàng và nhận được phản hồi tốt cùng sự yêu thích của mọi người là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày”, chị H’Dria Êban bộc bạch.

Chị H' Dria Êban quảng bá những bộ trang phục truyền thống của đồng bào Êđê.

Việc kinh doanh online được xem là mảnh đất màu mỡ trong thời đại mạng xã hội bùng nổ nhưng cũng có không ít rủi ro. Nhiều thành viên của CLB đã từng gặp phải tình trạng bị mất hàng, hoàn trả hàng gây thiệt hại, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo. Chị Khoa chia sẻ: “Từ kinh nghiệm bán hàng của mình, tôi hướng dẫn các chị trong CLB nhận cọc ít nhất 30%/đơn hàng để giảm thiểu thiệt hại và có sự đảm bảo từ phía khách hàng. Bên cạnh đó, trong mỗi buổi sinh hoạt của CLB, tôi thường xuyên nhắc nhở và hướng dẫn các thành viên nhận biết những cách thức lừa đảo mới xuất hiện và cách xử lý khi gặp trường hợp này”.

Tuy những bước đi ban đầu còn chập chững, nhưng CLB “Nữ kinh doanh online” đã khiến các hội viên tự tin khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh online; đồng thời xây dựng môi trường để chị em giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, sự sáng tạo trong kinh doanh. Đó cũng là một cách rèn luyện bản lĩnh, làm chủ bản thân và tạo động lực khuyến khích mọi người cùng tham gia thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc