Giá cà phê tăng mạnh: Nhiều nông dân "gim" hàng chờ giá tốt
Giá cà phê nhân hiện nay đang ở mức trên 70.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong vòng 30 năm trở lại đây. Giá cao đang mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho nông dân, nhưng lại là sự khó khăn cho không ít đơn vị thu mua khi phải cần nguồn vốn lớn để mua hàng.
Nông dân chưa vội bán
Gia đình ông Đặng Văn Hùng (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) có 1,7 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh, dự kiến sản lượng đạt 8 tấn, cao hơn năm trước 2,5 tấn.
Ông Hùng cho biết, so với năm trước thì sản lượng và giá cà phê đều cao hơn niên vụ trước, giúp gia đình ông có một vụ mùa bội thu ngoài mong đợi. Với mức giá dao động từ 71.000 – 72.000 đồng/kg như thời điểm hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình ông thu lãi hơn 400 triệu đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà gia đình ông có được trong suốt 25 năm gắn bó với loại cây trồng này.
Dự báo giá cà phê còn tiếp tục tăng nên trước mắt ông Hùng chỉ bán đi một phần sản phẩm để chi tiêu và mua sắm vật tư chuẩn bị cho đợt tưới đầu tiên sắp tới.
Khâu lựa chọn trái cà phê đạt chuẩn để phục vụ chế biến cà phê chất lượng cao ở Trang trại Aeroco Coffee (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Minh Thuận |
Theo ông Trần Văn Thảo, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đồi 900 (thôn Ea Bi, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng), niên vụ 2023 – 2024, sản lượng cà phê của HTX ước đạt 800 tấn. Hiện nay, người dân đã thu hoạch được 60% (do trồng các giống chín muộn). Số lượng cà phê người dân thu hoạch được gần như chưa giao dịch (số lượng giao dịch rất ít, chỉ khoảng 10%), bởi các lý do: đối với dòng cà phê chất lượng cao thì phải sau ba tháng thu hoạch, chế biến mới tiến hành giao dịch với các nhà rang xay; còn đối với cà phê nhân xô thì năm nay phương thức giao dịch của các đại lý thu mua có sự thay đổi, họ yêu cầu chốt giá thì 2 – 3 ngày sau phải có sản phẩm (đối với HTX, do thu hái muộn nên cà phê sẽ không kịp khô để giao), thay vì như trước đây, người dân chốt giá xong là có thể lấy tiền về, khi nào có cà phê thì giao. Một lý do khác là giá cả đang biến động liên tục nên tâm lý người dân chưa muốn bán.
Trên thực tế, sau khi thu hoạch niên vụ cà phê 2023 - 2024, không nhiều người dân ở Đắk Lắk vội bán cà phê như các năm trước. Nguyên nhân một phần vì giá các loại nông sản trong năm 2023 tăng khá cao nên họ còn nguồn tiền để tái đầu tư, do đó vẫn muốn tích trữ để chờ giá tốt hơn. Bên cạnh đó, hầu hết các HTX sản xuất cà phê đều chuyển hướng sang chế biến cà phê chất lượng cao nên chưa có sản phẩm để bán ra trong thời điểm này.
Thu hoạch cà phê chín đạt từ 90 - 100% đang được nông dân lựa chọn để bán với giá tốt nhất. (Trong ảnh: Người dân thu hoạch cà phê trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Minh Thuận |
Doanh nghiệp và nông dân cùng thích ứng
Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, chất lượng cà phê của Việt Nam đã thay đổi rất nhiều nhờ người nông dân chuyển đổi sang sản xuất bền vững, có chứng nhận và đẩy mạnh sản xuất cà phê đặc sản, chế biến sâu. Dự báo, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ duy trì ở mức cao do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, cũng như chất lượng cà phê Robusta của Việt Nam nâng cao, được các nhà rang xay ưa chuộng. |
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành hàng, giá cà phê tăng mạnh như hiện nay là rất có lợi cho nông dân và ngành cà phê, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức cho các đơn vị thu mua - xuất khẩu, bởi họ cần số vốn gấp đôi niên vụ trước, đồng thời đối mặt với rủi ro biến động giá khó lường.
Ông Lê Đình Tư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minudo Farm - Care (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, là doanh nghiệp (DN) ở lĩnh vực chế biến cà phê chất lượng cao nên công ty đã chủ động nguồn hàng ngay từ đầu vụ bằng việc liên kết sản xuất với các hộ dân.
Tuy nhiên, lượng vốn để công ty thu mua hàng thì cũng tăng tương đương với giá tăng của thị trường, do đó nhằm có lợi nhuận tốt, buộc DN phải thích ứng và làm ra được những sản phẩm tinh chế xuất sắc nhất để định giá với khách hàng, tạo ra giá trị gia tăng cao từ sản phẩm.
Bên cạnh việc các DN đang xoay xở để thích nghi với bối cảnh giá nguyên liệu và giá cước vận chuyển hàng hải tăng cao thì tình hình sản xuất cà phê đã ghi nhận một sự chuyển dịch tích cực từ dòng cà phê nhân xô sang dòng cà phê chất lượng cao.
Ông Trần Văn Thảo, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồi 900 cho hay, hiện nay đơn vị đang liên kết với 39 hộ dân trồng cà phê trên địa bàn xã, với tổng diện tích gần 200 ha.
Nhờ sản xuất bền vững nên vườn cà phê của các hộ dân đều duy trì năng suất ổn định ở mức 4 tấn/ha và giá bán cũng cao hơn thị trường từ 14.000 – 15.000 đồng/kg.
Hiện nay, ngoài việc tiếp tục hướng dẫn các thành viên canh tác theo hướng hữu cơ thì HTX vận động những hộ dân đang áp dụng cách thức thu hái cà phê dạng xô sang hái chọn lọc (tỷ lệ chín đạt 90 – 95%) để bảo đảm về mặt chất lượng, giá bán.
Đồng thời, tiến hành ghép cải tạo những diện tích cà phê già cỗi bằng giống cà phê TR4 nhằm ổn định về năng suất và chất lượng, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Thu hoạch cà phê phục vụ chế biến cà phê chất lượng cao ở Farm Rẫy Nhà Si (huyện Cư M'gar). Ảnh: Thiên An |
Giá cà phê tăng cao không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập, mà còn tạo thêm động lực để họ chú trọng khâu đầu tư, chăm sóc vườn cây. Hộ ông Nguyền Hồng Nam (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) có gần 1 ha cà phê. Vụ mùa năm nay, gia đình thu được hơn 2 tấn cà phê nhân. Sau khi xay, phơi xong, ông Nam đã quyết định bán toàn bộ số cà phê, với giá hơn 70.000 đồng/kg để tái đầu tư cho vườn cây trong vụ mùa sau. Theo ông Nam, dù giá cà phê đang ở mức cao nhưng ông vẫn quyết định tái canh 5 sào cà phê già cỗi bằng việc trồng lại giống cà phê mới (có khả năng kháng bệnh và chịu hạn tốt, cho năng suất cao từ 6 – 8 tấn/ha) và chuyển sang canh tác theo hướng bền vững, với mong muốn cải thiện năng suất cũng như chất lượng cây nhằm đáp ứng thị trường cà phê chất lượng cao nhiều tiềm năng.
Minh Thuận – Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc