Multimedia Đọc Báo in

Tham quan mô hình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

19:45, 28/02/2024

Ngày 28/2, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Khuyến Nông quốc gia, Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Đắk Lắk tổ chức cho các nhà khoa học, chuyên gia, nông dân tham quan, chia sẻ kinh nghiệm tại các mô hình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên” đang được triển khai tại vườn cà phê trồng xen hồ tiêu của hộ ông Nguyễn Huy Thân (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) và vườn phê trồng thuần của hộ ông Võ Thành Công (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar).

Tại các vườn cây, các chuyên gia, nhà khoa học và nông dân đã cùng nhau chia sẻ, tư vấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật canh tác cành phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện nay.

Đặc biệt, các nhà khoa học, chuyên gia đã trực tiếp gặp gỡ nông dân, giải đáp thắc mắc về một số vấn đề mà người nông dân gặp phải đối với từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng như: những vấn đề cần lưu ý trong chăm bón cà phê mùa khô, sử dụng phân bón đúng cách, cách thức tưới nước, quản lý một số dịch hại quan trọng trong mùa khô trên cây cà phê; cách chăm sóc hồ tiêu, quản lý một số đối tượng dịch hại quan trọng trên cây hồ tiêu sau thu hoạch...

Các chuyên gia, nhà khoa học cùng nôgn dân trao đổi, giải đáp thắc mắc trong quá trình chăm sóc cây trồng tại vườn cây của ông Nguyễn Huy Thân (xã Cư Huê, huyện Ea Kar)
Các chuyên gia, nhà khoa học cùng nông dân trao đổi, giải đáp thắc mắc trong quá trình chăm sóc cây trồng tại vườn cây của ông Nguyễn Huy Thân...

Được biết, chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2023-2025 được triển khai thực hiện từ tháng 6/2023 tại 5 tỉnh Tây Nguyên với 15 huyện trọng điểm trồng thuần cà phê và trồng xen với sầu riêng, hồ tiêu.

Tại Đắk Lắk, có 4 mô hình trồng cà phê xen tiêu, cà phê trồng thuần, cà phê xen sầu riêng tham gia chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” ở vườn cây của hộ gia đình ông: Hoàng Đức Quang (xã Ea Puk, huyện Krông Năng), Võ Thành Công (xã Ea K'pam, huyện Cư M’gar), Nguyễn Huy Thân (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) và  và Lương Thị Mơ (xã Ea K'nuếch, huyện Krông Pắc) với tổng diện tích 3 ha.

Tham quan mô hình cà phê trồng thuần tại hộ ông Võ Thành Công (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar).
... và tham quan mô hình cà phê trồng thuần tại hộ ông Võ Thành Công. 

Chương trình được triển khai thực hiện hướng đến mục tiêu xây dựng được gói kỹ thuật hoàn chỉnh nhằm giúp người dân trồng thuần cà phê hoặc trồng cà phê xen sầu riêng, xen hồ tiêu có được kiến thức thực tế, khoa học, qua đó áp dụng vào trong quá trình canh tác góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập gắn với tăng trưởng xanh, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính…

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.