Multimedia Đọc Báo in

Trao sinh kế hỗ trợ giảm nghèo

08:10, 29/02/2024

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Cư Kuin đã triển khai nhiều mô hình, cách làm nhằm tạo sinh kế cho hội viên nông dân nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

Nhằm hỗ trợ, khuyến khích hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, Hội Nông dân huyện Cư Kuin đã tiến hành rà soát, họp bình xét lựa chọn các hội viên đủ điều kiện được tặng bò sinh sản theo chương trình “Hỗ trợ sinh kế cho hội viên thuộc diện hộ nghèo vùng biên giới, dân tộc thiểu số, tôn giáo”.

Đây là chương trình do Hội Nông dân tỉnh phát động từ nguồn vận động, đóng góp của cán bộ, hội viên nông dân, với mục đích giúp đỡ các hội viên thuộc diện hộ nghèo có điều kiện sản xuất, cải thiện đời sống.

Bà H’ Siny Mlô (buôn Pu Huê, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) chăm sóc bò giống sinh sản.

Năm 2024 là năm đầu tiên Hội Nông dân huyện Cư Kuin triển khai thực hiện trao tặng bò sinh sản để tạo “cần câu” giúp hội viên nghèo thay đổi cuộc sống. Đầu tháng 1/2024, Hội đã tiến hành trao tặng 4 con bò sinh sản chất lượng cao cho 4 hội viên nông dân thuộc các xã: Ea Bhốk, Ea Hu, Ea Ktur và Hòa Hiệp, mỗi con bò giống trị giá hơn 16 triệu đồng. Ngoài sự hỗ trợ trên, các hội viên còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản, cách thức xây dựng chuồng trại, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi...

Sau khi bò giống sinh sản lứa đầu, hội viên sẽ được sở hữu bò mẹ để tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng và bàn giao bê lại cho Hội Nông dân huyện nhằm quay vòng “ngân hàng bò”, tiếp tục hỗ trợ các hộ nghèo khác. Đồng thời, các hộ được nhận bò phải thực hiện tốt cam kết là không bán, tặng bò cho người khác, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ…

Là hội viên nông dân được hỗ trợ bò sinh sản vào đầu năm 2024, gia đình bà H’ Siny Mlô (buôn Pu Huê, xã Ea Ktur) rất vui. Gia đình bà có 4 khẩu, thu nhập chỉ phụ thuộc vào 3 sào rẫy trồng cà phê và công việc đi làm thuê, làm mướn để lo cho cuộc sống. Vì vậy, việc được trao bò sinh sản giúp gia đình bà có thêm cơ hội tăng thu nhập. “Đối với gia đình tôi, con bò là tài sản lớn. Tôi sẽ cố gắng nuôi dưỡng bò thật tốt để cải thiện kinh tế gia đình, có điều kiện lo cho con cái học hành”, bà H’ Siny phấn khởi nói.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư Kuin Nguyễn Lưu Tuệ kiểm tra sự phát triển của bò giống sinh sản được cấp hỗ trợ cho hội viên nông dân.

Tương tự, gia đình ông Y Hô Byă (buôn Ea Kmar, xã Ea Bhốk) là hội viên nông dân thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện nhận bò giống trong đợt này. Trước đây, gia đình ông từng có ý định mua bò về chăn nuôi, nhưng vì điều kiện kinh tế còn eo hẹp, nhà lại đông con nên vay mượn rất khó khăn. Trước hoàn cảnh đó, Hội Nông dân huyện đã trao tặng gia đình ông con bò giống sinh sản giúp gia đình có thêm tư liệu sản xuất, ổn định cuộc sống.

Sau khi nhận bò giống, ngoài việc chú trọng xây dựng chuồng trại kiên cố, ông Y Hô còn chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của Hội Nông dân huyện. Cùng với đó, ông chủ động trồng cỏ, tận dụng sản phẩm nông nghiệp như: rơm rạ, bắp... để nuôi bò nhằm tiết kiệm chi phí chăn nuôi. “Được sự quan tâm của Hội Nông dân các cấp, mình phải cố gắng vươn lên thoát nghèo. Nếu mình cứ mãi trông chờ vào sự hỗ trợ, không nghĩ cách làm ăn thì rất khó thoát nghèo”, ông Y Hô tâm sự.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư Kuin Nguyễn Lưu Tuệ cho biết, chương trình trao bò sinh sản là một hoạt động thiết thực, nhằm tiếp thêm động lực để hội viên thực hiện mô hình sản xuất, chăn nuôi một cách có hiệu quả. Qua đó, thể hiện vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong thực hiện các chương trình an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho hội viên, góp phần thay đổi nhận thức, giúp các hội viên thêm tự tin, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.