Multimedia Đọc Báo in

“Hiểu đất” để làm giàu từ đất

08:36, 28/03/2024

Trong canh tác nông nghiệp, việc xác định vị trí, chất đất từng khu vực phù hợp với loại cây trồng nào đóng vai trò rất quan trọng, giúp người dân, doanh nghiệp (DN) chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Thực tế canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta những năm qua cho thấy, hầu hết nông dân đều sản xuất dựa vào kinh nghiệm, chạy theo phong trào, cây gì đang “có thời, được giá” thì đổ xô trồng. Việc tưới nước, bón phân cũng... "mỗi người một kiểu", dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu dinh dưỡng, thậm chí lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ảnh hưởng tiêu cực cho đất…

Trước thực trạng đó, huyện Cư M'gar đã mời các chuyên gia đầu ngành khảo sát, phân tích, đánh giá mẫu đất ở từng địa bàn xã, thị trấn, triển khai thực hiện “Đề án xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030”. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh và thứ 2 trong vùng Tây Nguyên xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm cơ sở khoa học nhằm định hình lại các vùng sản xuất những loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng.

Đề án được coi là “cú hích” để hiện thực hóa chủ trương của tỉnh và triển khai thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Cư M’gar về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình “Phát triển nông nghiệp chất lượng cao, bền vững giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn huyện.

Theo đó, huyện Cư M'gar xác định được 9 loại đất, chia thành 4 nhóm (trong đó có 2 nhóm đất chính là nhóm đất đỏ vàng và nhóm đất đen với tổng diện tích lên đến 65.512 ha); xác định được liều lượng định mức phân bón hợp lý trên cây trồng và từng loại đất khác nhau... Trên cơ sở đó giúp công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp, chỉ đạo sản xuất của địa phương hiệu quả hơn.

Huyện Cư M'gar là địa phương đầu tiên của tỉnh xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Vũ Hồng Nhật, Chủ tịch UBND huyện, bản đồ nông hóa thổ nhưỡng sẽ hỗ trợ đắc lực cho quá trình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Nếu có đánh giá đúng về thực trạng đất đai, nông dân sẽ biết cách chọn loại cây trồng phù hợp dựa trên nguyên lý “đất nào cây đó”, phát huy hiệu quả sản xuất cao nhất trên cùng một diện tích đất. Thông tin từ bản đồ nông hóa thổ nhưỡng còn là cơ sở khoa học để các cơ quan quản lý nhà nước giám sát, xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý với từng vùng đất. Điều này kỳ vọng sẽ hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trên địa bàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại.

Để ứng dụng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng vào sản xuất, phát huy hiệu quả, huyện Cư M’gar sẽ tổ chức tập huấn, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo các hợp tác xã và người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị dựa trên lợi thế của đất đai, đồng thời tăng cường hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hướng tới nền nông nghiệp chính xác, bền vững trong tương lai.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.