Multimedia Đọc Báo in

Chuẩn bị chu đáo các chuỗi sự kiện trong Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ II

15:51, 11/04/2024

Sáng 11/4, Ban chỉ đạo Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II tổ chức họp xem xét tiến độ triển khai, phương án lựa chọn các đơn vị tổ chức cho Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ II năm 2024. Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo lễ hội Trần Hồng Tiến chủ trì cuộc họp.

Theo phê duyệt đề án của UBND huyện Krông Pắc, Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II, năm 2024 với chủ đề “Sầu riêng Krông Pắc - Phát triển và hội nhập” sẽ được tổ chức từ ngày 31/8 đến hết ngày 2/9.

Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội Trần Hồng Tiến phát biểu tại cuộc họp.
Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II, năm 2024 Trần Hồng Tiến phát biểu tại cuộc họp.

Lễ hội sẽ có 6 hoạt động chính gồm: Lễ khai mạc; Lễ bế mạc; Chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật; Hội thảo xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững; Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông nghiệp tiềm năng của địa phương; chuỗi các hoạt động văn hóa – quảng bá du lịch (bao gồm: Giải chạy việt dã vì sức khỏe cộng đồng; Lễ hội đường phố; Ngày hội văn hóa - Ẩm thực các dân tộc huyện Krông Pắc; trải nghiệm thưởng thức sầu riêng tại vườn và tham quan cây sầu riêng cổ thụ; Vũ hội ánh sáng và giao lưu nghệ thuật giữa các câu lạc bộ, đội, nhóm nghệ thuật; Lễ chào cờ và đồng diễn áo dài; Hội thi nông dân sản xuất sầu riêng giỏi; các hoạt động hưởng ứng của 16 xã, thị trấn trước, trong và sau thời gian diễn ra lễ hội).

Các thành viên tham gia cuộc họp.
Các thành viên tham gia cuộc họp.

Đến thời điểm này, các tiểu ban, các phòng ban được giao chủ trì những nội dung trong chuỗi sự kiện lễ hội đã chủ động tiến hành dự trù kinh phí thực hiện, gửi Ban tổ chức lễ hội tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo.

Các cơ quan chuyên môn được giao tổ chức những hoạt động đã tham mưu triển khai các nội dung theo Đề án đề ra, khảo sát các tuyến đường, vườn cây sầu riêng, địa điểm tổ chức các sự kiện trong lễ hội; chủ động làm việc với các cơ quan liên quan để đề ra các nhiệm vụ cần làm trước mắt, khó khăn, vướng mắc cần giải quyết từ nay cho đến thời gian tổ chức lễ hội; đã làm việc với 8 đơn vị tổ chức sự kiện đăng ký tham gia lễ hội. Các xã, thị trấn cũng đã xây dựng kế hoạch tham gia và thực hiện tốt công tác chuẩn bị với những nội dung liên quan trong chuỗi hoạt động của lễ hội…

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh phát biểu ý kiến.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh phát biểu ý kiến.

Tại cuộc họp, các thành viên cho rằng cần rút kinh nghiệm những thiếu sót, hạn chế của Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I để khâu tổ chức lần này được chu đáo hơn, nhất là về công tác bảo đảm an toàn giao thông, công tác tiếp đón đại biểu tham dự ở các sự kiện. Nhiều nội dung cần phải làm sớm, như: khâu hậu cần, chuẩn bị tốt hạ tầng cơ sở ở những địa điểm tham quan tại các xã, đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội về công tác chuẩn bị cho lễ hội ở các địa phương…

Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phát biểu ý kiến.
Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phát biểu ý kiến.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội Trần Hồng Tiến đã ghi nhận, biểu dương sự cố gắng trong công tác chuẩn bị của Ban tổ chức, các tiểu ban trong thời gian qua. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến thời điểm tổ chức Lễ hội không còn nhiều, đề nghị Ban tổ chức, các tiểu ban khẩn trương hoàn thiện kế hoạch, chương trình, kịch bản, dự toán kinh phí... cho từng nội dung cụ thể trong tổng thể chương trình lễ hội; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để giới thiệu, quảng bá về lễ hội… Các cơ quan, ban, ngành và địa phương cần phải cộng đồng trách nhiệm để công tác chuẩn bị cho lễ hội được thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng vì đây là một hoạt động lớn, trọng tâm, tạo thương hiệu, dấu ấn của địa phương; đồng thời cũng là một sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.