Multimedia Đọc Báo in

Chuyện xây dựng nông thôn mới ở những xã vùng sâu

07:31, 17/04/2024

Những năm qua, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã khởi sắc trông thấy, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Từ giải quyết vấn đề cốt lõi...

Từng là xã đặc biệt khó khăn, lại có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện đất đai khô cằn, xã Vụ Bổn là địa phương có điểm xuất phát thấp nhất khi bước vào công cuộc xây dựng NTM của huyện Krông Pắc.

Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu tính đồng bộ, đặc biệt nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Trước những khó khăn đặt ra, xã Vụ Bổn đã xác định, để xây dựng thành công NTM thì phải giải quyết được vấn đề cốt lõi đó là nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân, xã Vụ Bổn đã lựa chọn những vấn đề trọng điểm để đầu tư. Trước hết là hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất của người dân từng bước được đầu tư xây dựng hoàn thiện.

Nhờ đó, những con đường "nắng bụi, mưa lầy" đã được bê tông hóa và tô điểm thêm cây xanh, hàng hoa hai bên đường, nhiều ngôi nhà mới, hiện đại của người dân được mọc lên.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Vụ Bổn đã thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở khai thác lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, gắn với thị trường tiêu thụ.

Đồng thời, triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Từ đó, theo tiến trình xây dựng NTM, những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao xuất hiện ngày càng nhiều. Nhờ vậy, nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của xã đạt ở mức 47 triệu đồng/năm.

Các đội thi tham gia giã bánh dày tại Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc (xã Ea Tam, huyện Krông Năng). Ảnh: M. Sao

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Linh Đan (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) chia sẻ, những năm qua, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã Vụ Bổn đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa…

Thêm vào đó là nhiều chương trình, dự án hỗ trợ vốn, hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân được thực hiện. “Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư như vậy, bà con ở địa phương luôn bảo ban nhau phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh để cải thiện đời sống”, bà Loan phấn khởi nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn Lê Ngọc Tú, tính đến cuối tháng 11/2023, xã đã có 17/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM (chỉ còn 2 tiêu chí chưa đạt là giao thông, thủy lợi và phòng, chống thiên tai). Khi vấn đề cốt lõi là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân đã thực hiện được thì việc “tăng tốc” để cán đích NTM trong thời gian tới của địa phương sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Đến phát huy bản sắc, thế mạnh

Là một xã vùng III, vùng đặc biệt khó khăn, song với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Ea Tam (huyện Krông Năng) đã về đích NTM vào năm 2020. Đến nay, diện mạo của xã đã thay đổi, đời sống của người dân chuyển biến tích cực.

Hiện nay, tổng diện tích đất tự nhiên của xã Ea Tam là 8.426 ha, với thế mạnh 90% diện tích là đất nông nghiệp, nhờ chịu khó thay đổi tập quán, chuyển sang thâm canh sản xuất mà cuộc sống của bà con ngày một khấm khá hơn. Để phát huy tối đa tiềm năng của địa phương, UBND xã luôn tạo mọi điều kiện để người dân có thể học tập, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thông qua các lớp tập huấn, tư vấn, hướng nghiệp, các lớp dạy nghề... Từ đó, bà con dễ dàng áp dụng vào việc sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ nông nghiệp, xã Ea Tam còn tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Là một trong những địa phương có hơn 88,6% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu dân tộc Tày, Nùng từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống, xã Ea Tam được ví là một "Việt Bắc thu nhỏ" trên mảnh đất Tây Nguyên. Một trong những nét văn hóa được người dân nơi đây nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát huy đó là Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc hay còn được gọi là "Chợ tình Tây Nguyên". Mặc dù diễn ra trên vùng đất đỏ bazan nhưng lễ hội này vẫn giữ trọn nét văn hóa, bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc.

Ông Đinh Hải Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam cho biết, chính quyền địa phương rất vui vì đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư đến sinh sống trên vùng đất mới nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Đây là tiền đề để chính quyền địa phương và nhân dân đánh thức tiềm năng du lịch của địa phương, giúp người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập.

Thúy Nga - Ngọc Thùy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.