Multimedia Đọc Báo in

Đoàn giám sát số 9 HĐND tỉnh làm việc với UBND huyện M’Drắk về chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án cao tốc

17:37, 02/04/2024

Sáng 2/4, Đoàn giám sát số 9 của HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát thực tế và làm việc với UBND huyện M’Drắk về “Đề xuất chủ trương và thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột” đoạn qua địa bàn huyện.

Báo cáo tại buổi làm việc, UBND huyện M’Drắk cho biết, Dự án thành phần 2 qua địa bàn huyện có chiều dài gần 17 km, do Ban Quản lý dự án 6 - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. Diện tích thu hồi đất 127 ha, trong đó đất của cá nhân, hộ gia đình gần 51,4 ha, đất của công ty lâm nghiệp 61,6 ha và đất do UBND xã Cư San quản lý 14 ha. Diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng 59,42 ha, trong đó rừng tự nhiên 5,36 ha, rừng trồng 54,06 ha.

Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện MDrắk.
Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện M'Drắk.

Dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu hướng tuyến phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch của các ngành, lĩnh vực và địa phương liên quan đã thống nhất.

Tuy nhiên, do địa hình hướng tuyến qua huyện M’Drắk khó khăn, phức tạp nên Bộ GTVT đã thống nhất điều chỉnh một số đoạn tuyến Dự án thành phần 2 cho phù hợp nhằm giảm thiểu chi phí xây dựng, hạn chế công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), giảm thiểu tác động đến môi trường. Vì vậy, dự án phải thực hiện trên diện tích 5,36 ha rừng tự nhiên do không thể bố trí đất khác.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện M'Drắk Phạm Ngọc Thạch nêu các kiến nghị tại buổi làm việc.

Trong quá trình triển khai thực hiện đơn vị thi công còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: bãi đổ thải chưa thỏa thuận được với người dân dẫn tới làm tăng chi phí, chậm tiến độ triển khai dự án; việc cấp mỏ đất để triển khai dự án chưa kịp thời; thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, xác định giá rừng, trồng rừng thay thế liên quan đến nhiều ngành, mất nhiều thời gian.

Đại diện chủ đầu tư Dự án thành phần 2 nêu một số khó khăn trong quá trình triển khai dự án đoạn qua địa bàn huyện MDrắk.
Đại diện chủ đầu tư Dự án thành phần 2 nêu một số khó khăn trong quá trình triển khai dự án đoạn qua địa bàn huyện M'Drắk.

Bên cạnh đó, đối với diện tích đất trồng rừng có nguồn gốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp M'Drắk quản lý nhưng người dân sử dụng từ nhiều năm trước cho nên khó khăn xác định nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường hỗ trợ, chuyển mục đích sử dụng rừng. Tài liệu, bản đồ kiểm kê rừng, kiểm kê đất qua các thời kỳ không đồng nhất nên phải thu thập tài liệu, bản đồ, các loại giấy tờ liên quan. Hiện nay, đơn giá cây keo lai người dân tự trồng phê duyệt chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ thời gian lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo kế hoạch.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu tại buổi làm việc.

Do tính cấp bách của dự án, UBND huyện M’Drắk đã kiến nghị với Đoàn giám sát quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ việc phê duyệt giá trị trồng rừng thay thế để chủ đầu tư nộp tiền trồng rừng thay thế; sớm ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện xử lý tài sản rừng tự nhiên bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

Các thành viên Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại gói thầu xây lắp số 01 Dự án thành 2, thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Các thành viên Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại gói thầu xây lắp số 01 Dự án thành 2, thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng đề nghị UBND huyện M’Drắk làm rõ các nội dung kiến nghị của các thành viên trong đoàn và rà soát, cập nhật những quy định, hướng dẫn mới được ban hành để dự án triển khai kịp thời. Đồng thời, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp của huyện M’Drắk quan tâm, chỉ đạo sâu sát các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục đánh giá hiện trạng rừng, hoàn thành hồ sơ đề nghị điều chỉnh quy hoạch rừng; xây dựng phương án xử lý tài sản, phương án trồng rừng thay thế; bảo đảm đến 30/4/2024 phải hoàn thành công tác GPMB theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.