Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp “chuyển đổi kép” để phát triển bền vững

08:36, 13/05/2024

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều bất ổn, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, tình trạng suy giảm nguồn tài nguyên gia tăng thì “chuyển đổi kép”, tức kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh, trở thành xu hướng tất yếu để doanh nghiệp (DN) có thể phát triển bền vững.

Bắt kịp “chuyển đổi kép”

Là lá cờ đầu của tỉnh trong xây dựng nền nông nghiệp bền vững với 80.000 nông hộ, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 (Simexco Dak Lak) đã sớm theo đuổi “chuyển đổi kép”, giảm dần phát thải khí nhà kính về zero, triển khai các mô hình kinh tế tập thể, áp dụng công nghệ bảo đảm quản lý hiện đại về canh tác, truy suất nguồn gốc, phân tích kinh doanh.

Từ năm 2009, Simexco Dak Lak đã hợp tác với các hợp tác xã, nông dân trồng cà phê tại Đắk Lắk và các tổ chức để giúp đỡ nông dân trong việc tiếp cận hướng canh tác bền vững, kỹ thuật và quy trình sơ chế cà phê chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính với mục đích nâng cao giá trị sản phẩm cà phê robusta Đắk Lắk và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Về môi trường, có tác động lớn và tổng thể đến toàn bộ chuỗi cung ứng của công ty qua bộ tiêu chí ECO-Friendly-Chuyển đổi xanh, nên công ty đã tái canh được 3,5 triệu cây giống, trồng 2,8 triệu cây che bóng, cây tán rừng, trồng xen cây rừng vào vườn cà phê…

Bên cạnh đó, công ty còn hỗ trợ mở rộng các mô hình hồ tưới tập trung, giải pháp tưới nước tiết kiệm, hỗ trợ chuyển từ phân vô cơ sang hữu cơ, canh tác bền vững, sản xuất giảm phát khí thải, kinh tế tuần hoàn…

Sản xuất cà phê đặc sản tại Hợp tác xã Ea Tân (huyện Krông Năng).

Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Kinh doanh Simexco Dak Lak chia sẻ, để phục vụ phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành cà phê, hồ tiêu và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất với người nông dân, công ty cũng đã đến từng nông hộ để cùng phối hợp xây dựng vùng sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn như 4C, chứng nhận Rainforest Alliance, Fairtrade… và các chứng chỉ khác. Hiện nay, công ty đang triển khai sản xuất cà phê chống phá rừng theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) để bắt kịp xu hướng của thế giới. Song song với chuyển đổi xanh, công ty cũng đặt chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay công ty đã sử dụng các phần mềm để quản lý số liệu, quản lý các nhà máy và sử dụng app để quản lý vùng nguyên liệu.

 

Năm 2024, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu kinh tế số chiếm 13% giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 8%; tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.

Nhằm đẩy mạnh “chuyển đổi kép”, theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung Huỳnh Văn Dũng, công ty đã quyết liệt trong tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu sản xuất... qua phong trào sáng kiến cải tiến về sản xuất xanh. Đồng thời, đầu tư và áp dụng những công nghệ tiên tiến, công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Hiện nay, toàn bộ các nhà máy của công ty đã áp dụng dây chuyền sản xuất tự động và quản lý tài chính, quản trị doanh nghiệp bằng phần mềm. Trong năm 2024, công ty sẽ tập trung theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; tiếp tục phát động phong trào sáng kiến cải tiến và dành ngân sách cho đầu tư, áp dụng những công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Xu hướng tất yếu

Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Huy động các nguồn lực cho chuyển đổi xanh” hồi tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh. Việt Nam tập trung và mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực này.”

Trên cơ sở đó, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã cùng các chuyên gia khảo sát, phân tích và xây dựng Báo cáo thường niên chuyển đổi số DN năm 2023 với chủ đề: “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh”.

Theo đó, xu hướng “chuyển đổi kép” trên thế giới đang trở nên ngày càng quan trọng với các sáng kiến xoay quanh ba trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.

Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung áp dụng dây chuyền sản xuất tự động.

Tại Việt Nam, công nghệ số và chuyển đổi số được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh.

Cụ thể là giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, đồng thời xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Kết quả đánh giá trong báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp đã cho thấy, DN hoạt động trong mọi lĩnh vực đều đã và đang nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Từ đó, họ chủ động tích hợp các mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển của DN.

Đối với Đắk Lắk, lãnh đạo tỉnh đã sớm nhìn nhận vai trò quan trọng của “chuyển đổi kép”, từ đó có những chính sách, hoạt động để khuyến khích chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh việc xây dựng chính sách và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, tỉnh còn đặt ra hai nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, đó là: đào tạo phát triển nhân lực số; thúc đẩy ứng dụng số đối với hoạt động kinh tế của cộng đồng DN và đẩy mạnh ứng dụng số trong xã hội, cộng đồng dân cư. Trong đó, kinh tế số tập trung vào nông nghiệp số, năng lượng, logistics và môi trường.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, Đắk Lắk đã và đang ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, kế hoạch của tỉnh về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; tạo điều kiện, nền tảng tăng tốc chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn mới.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.