Giúp nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm
Kết nối kinh doanh, hỗ trợ quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm là một trong những giải pháp được xã Ea Sin (huyện Krông Búk) chú trọng triển khai nhằm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn.
Ea Sin là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk. Trong những năm qua, kinh tế tại địa phương tuy đã có bước phát triển nhưng tốc độ còn chậm, chưa bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Sự ra đời của các tổ hợp tác nghề nghiệp trên địa bàn đã giúp diện mạo của xã có nhiều thay đổi, thu nhập và đời sống của người dân dần được cải thiện.
Ông Y Djăk Niê ( ở giữa) và ông Y Cuê Niê (bìa trái) đang làm các sản phẩm mây, tre đan. |
Đan lát mây, tre là một trong những nghề truyền thống của người Êđê. Với đôi tay khéo léo, họ đã biến tre rừng thành những vật dụng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên sản phẩm làm ra chưa được quảng bá rộng, còn ít người biết đến nên khó tiêu thụ. Tháng 3/2023, Hội Nông dân xã Ea Sin đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp mây, tre đan xã Ea Sin (gọi tắt là Tổ nghề nghiệp) nhằm tập hợp các hội viên nông dân cùng lĩnh vực sản xuất theo hướng bền vững; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập. Sau hơn một năm hoạt động, Tổ nghề nghiệp hiện có 6 thành viên, hỗ trợ nhau phát triển nghề đan lát.
Ông Y Cuê Niê (buôn Ea Pông), thành viên Tổ nghề nghiệp cho biết: “Để sản phẩm có độ dẻo dai, không bị mốc, cây tre sẽ được hơ kỹ trên bếp củi và được phơi nắng trong hai ngày. Cuối cùng được mang ra chẻ thành từng đoạn dây lạt dày từ 1 – 2 mm và tiến hành đan thành những sản phẩm như rổ, gùi, lồng gà...”.
Khách hàng tới tham quan và thưởng thức đặc sản rượu cần Ea Sin. |
Ông Y Djăk Niê (buôn Ea Pông), Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp chia sẻ: “Từ xưa đến nay, chúng tôi chủ yếu sống nhờ vào việc làm nông. Những năm mất mùa, đời sống của bà con nơi đây vô cùng khó khăn. Sau khi tham gia vào Tổ nghề nghiệp, được chính quyền và các cấp Hội định hướng rõ ràng, đảm bảo đầu ra, nghề mây, tre đan dần trở thành công việc chính của gia đình chúng tôi. Từ đó, mỗi thành viên trong Tổ nghề nghiệp có được nguồn thu nhập ổn định từ 3 – 4 triệu đồng/tháng, giúp đời sống ngày càng được cải thiện".
Nấu rượu cần cũng là một trong những nghề truyền thống đặc trưng của người Êđê tại xã Ea Sin. Với mong muốn gìn giữ và phát triển nét đẹp văn hóa này, tháng 4/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ea Sin đã thành lập mô hình “Rượu cần Ea Sin” với 13 thành viên tham gia.
Chị H’Tâm Kđoh (buôn Cư Mtao), thành viên mô hình “Rượu cần Ea Sin” cho biết: “Đa số nguyên liệu để làm ra những ché rượu cần như gạo, riềng… đều do gia đình tự trồng nên có thể tối ưu chi phí nguyên liệu sản xuất. Cùng những kinh nghiệm được ông bà truyền lại nhiều đời nay, chất lượng và hương vị của rượu cần Ea Sin luôn đạt chuẩn, có giá thành hợp lý và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn”. Hơn một năm hoạt động, nhờ sự hợp tác, hỗ trợ giữa các thành viên mô hình và Hội LHPN xã, sản phẩm hiện đã có mặt tại nhiều cửa hàng đặc sản trên địa bàn tỉnh, mang lại thu nhập cho mỗi thành viên từ 2 - 3 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh các nghề truyền thống, trên địa bàn xã còn thành lập nhiều mô hình nghề nghiệp như Tổ hội nghề nghiệp trồng cà phê chất lượng cao; Tổ hội nghề nghiệp trồng, chăm sóc sầu riêng… giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/người/tháng giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người dân theo hướng bền vững.
Thu Thảo
Ý kiến bạn đọc