Multimedia Đọc Báo in

Tín dụng cho hợp tác xã: Còn nhiều vướng mắc

07:45, 16/06/2024

Kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) là thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tuy nhiên, lĩnh vực này còn nhiều rào cản, vướng mắc trong quá trình phát triển, mà vấn đề lớn nhất là khó khăn trong tiếp cận nguồn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Dùng tài sản cá nhân vay vốn cho hợp tác xã

Có một thực tế là đa phần HTX trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất hạn chế. Do đó, nguồn vốn vay là “điểm tựa” quan trọng.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành chính sách riêng về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn như: Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP, trong đó quy định nhiều cơ chế tín dụng ưu đãi đối với HTX.

Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai đến các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến điều kiện và thủ tục vay vốn theo hướng đơn giản, thông thoáng, giảm bớt phiền hà cho khách hàng. Tuy nhiên, khả năng “hấp thụ” vốn của các HTX là rất khó khăn. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế toàn tỉnh đến nay đạt 154.100 tỷ đồng, nhưng vốn vay tại HTX là rất nhỏ.

Rào cản lớn nhất hiện nay khiến HTX khó vay vốn ngân hàng là không có tài sản thế chấp, hoặc tài sản không chia, không được phép thế chấp (quyền sử dụng đất Nhà nước cho thuê trả tiền hằng năm hoặc giao sử dụng, máy móc, thiết bị được hỗ trợ...).

Sản xuất hàng mỹ nghệ tại Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (TP. Buôn Ma Thuột).

Đơn cử như HTX Dịch vụ và Thương mại Quỳnh Tân (huyện Krông Ana) hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều lĩnh vực, thường xuyên cần vốn để đầu tư xoay vòng, đặc biệt là khi vào mùa thu hoạch nông sản. Ông Nguyễn Viết Tốt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX chia sẻ, do thủ tục vay vốn tín dụng rườm rà, mất nhiều thời gian, trong khi "bìa đỏ" của HTX cũng không được ngân hàng chấp nhận; vì vậy mỗi khi “bí” vốn, ông chủ động cầm cố tài sản cá nhân để vay vốn ngân hàng cho HTX.

Tương tự, ông Vũ Xuân Thu, Giám đốc HTX Nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar) cho biết, HTX được Nhà nước cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên tổng diện tích lên đến 383 ha đất trồng lúa, nhưng đây lại không phải là tài sản bảo đảm được các TCTD chấp nhận để thế chấp. Còn với 6.200 m2 đất làm trụ sở cùng các công trình trên đất, HTX tiếp nhận từ khối tài sản sau giải thể của Nông trường 714 từ năm 2010 đến nay, vẫn không được cấp "bìa đỏ" nên không thể vay vốn. Do khó khăn trong việc vay vốn từ các ngân hàng, và nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh còn thấp, nên khi cần vốn, HTX phải mượn "bìa đỏ" của thành viên HTX để tổ chức sản xuất, đầu tư hạ tầng, máy móc…

Làm sao để hợp tác xã và ngân hàng “gặp nhau”?

Ngoài không có tài sản thế chấp, điều làm cho HTX “mất điểm” với các ngân hàng là năng lực tài chính, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất hạn chế; một số HTX chưa mở đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định, chưa thể hiện đủ tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh; không có phương án sản xuất, kinh doanh bài bản, hiệu quả và phương án vay vốn, trả nợ khả thi… Ở chiều ngược lại, mặc dù có nhiều chính sách tín dụng cho các HTX, tuy nhiên bản thân các TCTD cho vay phải tự chịu trách nhiệm khi rủi ro xảy ra, trong khi nhu cầu vay từ các HTX chủ yếu với hình thức không đảm bảo tài sản nên một số ngân hàng còn e dè.

Sản phẩm cà phê của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Quyết Tiến (huyện Cư M'gar) tham gia một sự kiện xúc tiến thương mại.

Từ những bất cập trên, vấn đề được đặt ra là làm sao để HTX và ngân hàng “gặp nhau” và có “tiếng nói chung” để đưa nguồn tín dụng vào lĩnh vực kinh tế này. Chia sẻ tại hội thảo Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam tổ chức cuối tháng 4/2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là các HTX - đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng cần củng cố, nâng cao uy tín, tạo niềm tin đối với người được giao nhiệm vụ cấp tín dụng là các ngân hàng.

Giải pháp trước hết là HTX cần nâng cao năng lực quản trị, thực hiện đổi mới sáng tạo, tăng cường sản xuất, kinh doanh trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm có giá trị thương mại cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường và đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Vấn đề quan trọng không kém là HTX phải có sự công khai, minh bạch trong công tác kế toán; đồng thời có báo cáo tài chính được kiểm toán để có thể đáp ứng điều kiện vay vốn. Ngoài sự nỗ lực trong nội tại của các HTX thì Nhà nước cần có những giải pháp hỗ trợ đồng bộ, kịp thời, nhất là chính sách về đất đai, nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn vay, để các HTX có nguồn lực mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Về phía ngân hàng, mặc dù HTX hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, tuy nhiên cơ quan chức năng cần có chính sách vay vốn riêng với các thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp loại hình hoạt động HTX, không áp dụng cùng chính sách vay với các loại hình doanh nghiệp khác. Cùng với đó, ngân hàng nghiên cứu phát triển các sản phẩm tín dụng phù hợp hoạt động của HTX để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng của HTX. Đặc biệt, một giải pháp mới được đưa ra là cần nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng đặc thù như xem xét cho vay tín chấp hoặc thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai khi HTX có dự án sản xuất, kinh doanh mang tính khả thi cao, hiệu quả.

Theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, HTX, tổ hợp tác được hưởng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ thấp hơn lĩnh vực sản xuất thông thường từ 1 - 1,5% khi hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên; được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng khi khách hàng mua bảo hiểm trong nông nghiệp.

Minh Chi – Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.