Dấu ấn từ những “Công trình 1719”
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình 1719), nhiều công trình, hạng mục được triển khai tại huyện Lắk đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân.
“Đòn bẩy” phát triển nông nghiệp và du lịch
Từ năm 2022 đến nay, bằng nguồn vốn Chương trình 1719, huyện Lắk đã triển khai xây dựng và sửa chữa 37 công trình để đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, với tổng kinh phí hơn 75 tỷ đồng. Các công trình triển khai thực hiện đã từng bước hình thành kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác các lợi thế của địa phương trong phát triển nông nghiệp và du lịch.
Điển hình như công trình đường giao thông từ cầu trắng Quốc lộ 27 đến hồ buôn Biếp (xã Yang Tao) do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lắk (Ban QLDA huyện) làm chủ đầu tư được hoàn thành vào đầu năm 2023 dẫn vào thác Bìm Bịp – thắng cảnh nổi tiếng của địa phương. Công trình có chiều dài hơn 2,9 km, bao gồm các hạng mục: mặt đường bê tông xi măng trùm lề đá, lớp giấy dầu chống co ngót, mái taluy gia cố, rãnh dọc, cống thoát nước, hệ thống an toàn giao thông…
Theo chính quyền xã Yang Tao, trước kia khách du lịch đến thác Bìm Bịp sau khi di chuyển từ Quốc lộ 27 rẽ vào buôn Biếp đến bìa rừng phải đi bộ theo lối mòn khoảng 45 phút mới đến được tầng thác đầu tiên; từ khi con đường nói trên được xây dựng, phương tiện giao thông có thể vào tận chân thác nên số lượng du khách tăng cao hơn so với các năm trước.
Công trình đường giao thông từ cầu trắng Quốc lộ 27 đến hồ buôn Biếp (xã Yang Tao, huyện Lắk) hoàn thành từ nguồn vốn Chương trình 1719. |
Bên cạnh đó, tuyến đường hoàn thành còn giúp người dân địa phương sinh hoạt và sản xuất thuận lợi. Gia đình anh Y Mra Liêng (buôn Biếp, xã Yang Tao) có 5 sào cà phê. Trước kia, tuyến đường vào buôn chủ yếu là đường đất, nắng bụi bặm, mưa sình lầy gây khó khăn cho thu hoạch và vận chuyển phân bón. Sau khi tuyến đường hoàn thành, việc vận chuyển phân bón hay thu hoạch cà phê của gia đình anh và các hộ khác trở nên dễ dàng hơn, không như trước kia phải dùng xe máy chở từng đợt, mỗi đợt chỉ được 1 - 2 bao; nhờ vậy bà con tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và chi phí sản xuất.
Cũng từ nguồn vốn Chương trình 1719, công trình kiên cố hóa kênh mương thủy lợi buôn Juk (xã Đắk Liêng) do Ban QLDA huyện làm chủ đầu tư được hoàn thành và đưa vào sử dụng giữa năm 2023. Công trình có chiều dài hơn 1,1 km, bao gồm các hạng mục: cống tưới, cống tiêu và cầu qua kênh với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng; giúp đồng bào DTTS buôn Juk chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ổn định.
Ông Phạm Viết Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Liêng cho hay, trước kia bà con phải lấy nước từ mương đất tưới cho lúa nước nên vụ Đông Xuân chỉ gieo trồng được 40 ha, còn vụ Hè Thu sản xuất được hết toàn bộ diện tích nhưng phải chờ mưa xuống mới gieo sạ được. Sau khi kênh mương được kiên cố hóa đã đảm bảo nước tưới cho 80 ha lúa, bà con chủ động nguồn nước tưới tiêu đúng thời vụ và không còn tình trạng thiếu nước sản xuất. Vào vụ Đông Xuân 2023 - 2024 vừa qua, năng suất và sản lượng lúa của bà con tăng 20 - 25% so với vụ trước.
Tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn”
UBND huyện Lắk cho biết, nguồn vốn Chương trình 1719 đã góp phần gỡ “nút thắt” trong xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi; xóa mù chữ; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS…
Công trình kiên cố hóa kênh mương thủy lợi buôn Juk (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) từ nguồn vốn Chương trình 1719 giúp nâng cao năng suất lúa cho người dân. |
Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2022 đến nay, vốn Chương trình 1719 được phân bổ về địa phương hơn 414,9 tỷ đồng nhưng mới chỉ giải ngân được 113,8 tỷ đồng. Nguyên nhân tiến độ giải ngân chậm là do địa phương vẫn gặp khó khăn khi các văn bản chỉ đạo một số nội dung không cụ thể, chưa có hướng dẫn đầy đủ khiến việc triển khai còn lúng túng. Ngoài ra, địa phương không có quỹ đất sạch để quy hoạch dự án khiến việc thực hiện hỗ trợ đất ở, nhà ở gặp khó; vướng về giải phóng mặt bằng. Trong quá trình lập danh mục đầu tư cho từng dự án, chủ đầu tư và các nhà thầu tư vấn vẫn còn gặp nhiều khó khăn do công tác thẩm định liên quan đến nhiều sở, ban, ngành khiến thời gian bị kéo dài…
Để tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn”, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn Chương trình 1719, ông Nay Y Phú, Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết, địa phương đã tổng hợp thường xuyên những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị để chỉ đạo giải quyết trong phạm vi quyền hạn. Tuy nhiên còn một số khó khăn vượt thẩm quyền giải quyết, UBND huyện kiến nghị, đề xuất Trung ương, cấp tỉnh điều chỉnh, bổ sung hướng dẫn những nội dung chưa cụ thể, chồng chéo để tiếp tục triển khai kịp thời các dự án đạt được mục tiêu chương trình đề ra.
Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội; tăng cường kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ, thẩm định, lựa chọn nhà thầu, khẩn trương đưa các dự án vào triển khai thi công; lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng và công tác quyết toán, giải ngân các chi phí đủ điều kiện...
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc