Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế làm đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế trong nước

21:01, 18/07/2024

Chiều tối 18/7, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp (DN), ngành hàng và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đắk Lắk.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, trong 36 hoạt động cấp cao, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác. Quan hệ ngoại giao tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp.

Nội dung thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu, đàm phán FTA, tăng cường thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch… được chú trọng lồng ghép và cụ thể hóa thành những cam kết, dự án trong mọi hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh.

Đặc biệt, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ và tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới đã nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế biên giới.

Bộ Ngoại giao đã rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực thi các FTA chủ chốt, có tầm ảnh hưởng lớn với Việt Nam; nghiên cứu thúc đẩy và tăng tốc đàm phán nâng cấp nhiều FTA đã có hiệu lực một thời gian dài…

Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức nhiều chương trình quảng bá, hỗ trợ các địa phương và DN trong việc ký kết hơn 20 bản ghi nhớ với các đối tác quốc tế, tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư quốc tế, ứng phó với nhiều vụ kiện chống bán phá giá nhằm vào nông sản Việt Nam tại các thị trường trọng điểm... Những hoạt động này đã góp phần giải quyết vướng mắc và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Sầu riêng Đắk Lắk được đóng gói để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Sầu riêng Đắk Lắk được đóng gói để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Tại hội nghị, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và đại diện các bộ, ngành, địa phương đã thông tin kết quả hoạt động ngoại giao kinh tế, cùng với những thuận lợi và thách thức trong việc thực hiện chiến lược ngoại giao kinh tế của Chính phủ, nhất là trong các lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Đồng thời, kiến nghị, đề xuất giải pháp thực hiện; mong muốn về sự hỗ trợ và đồng hành hơn nữa của các bộ, ngành trong ngoại giao kinh tế đối với DN trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, chúng ta không được lơ là, chủ quan trước những kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất là về thị trường xuất khẩu, việc cung ứng sản xuất, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và DN… 

Để thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cần phải đẩy mạnh ba đột phá chiến lược là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư; tập trung làm mới lại tăng trưởng truyền thống bằng việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa, du lịch.

Tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đồng thời, kết nối các khu vực kinh tế trong nước với các vùng kinh tế thế giới vì mục tiêu hợp tác phát triển.

Đối với các địa phương, DN vừa tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh, vừa phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là tập trung sản xuất hàng hóa xanh theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu. 

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các hoạt động đối ngoại cấp cao, lồng ghép nội hàm kinh tế và công nghệ vào chương trình nghị sự, tiếp tục lấy đây là bệ phóng cho ngoại giao kinh tế; tiếp tục rà soát định kỳ, đôn đốc tiến độ triển khai các cam kết thỏa thuận; thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đặc biệt là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đẩy mạnh ngoại giao công nghệ, huy động các nguồn lực quốc tế cho quá trình chuyển đổi, nhất là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng; nâng cao hàm lượng dự báo trong nghiên cứu, tham mưu phục vụ Chính phủ điều hành kinh tế - xã hội…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.