Multimedia Đọc Báo in

Cần “lắng nghe, thấu hiểu”

09:37, 19/08/2024

Trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) đang gặp rất nhiều khó khăn do đơn hàng và giá cả sụt giảm, đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí đầu vào tăng… họ rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành.

Thế nhưng, ngược với mong muốn đó, nhiều DN lại đang rất vất vả vì bị "hành" bởi một số cơ quan hành chính.

Mới đây, trong cuộc làm việc với một DN sản xuất, xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh, khi được hỏi về sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong quá trình hoạt động, người đứng đầu DN này đã chua chát thốt lên rằng: "Nếu kéo dài tình trạng này, chắc tôi phải đóng cửa DN".

"Tình trạng này" là gì?

Theo đại diện DN, khó khăn về thị trường thì DN không ngại, bởi đó là quy luật tất yếu, nếu muốn tồn tại và phát triển thì DN phải có chiến lược để thích ứng với khó khăn. Điều DN "ngán" nhất lại đến từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Các doanh nghiệp tham dự Chương trình Cà phê doanh nhân tháng 4/2023. Ảnh minh họa.
Các doanh nghiệp tham dự Chương trình Cà phê doanh nhân tháng 4/2023. Ảnh minh họa.

Bên cạnh một số cơ quan quản lý có sự chia sẻ, hỗ trợ để DN phát triển thì cũng còn đó không ít đơn vị "làm khó" DN, từ thủ tục kiểm tra chồng chéo, thái độ của người thực hiện không đúng mực, thường bị yêu cầu thêm các giấy tờ, hồ sơ ngoài quy định…

Có những đoàn kiểm tra chuyên ngành có chương trình làm việc, kiểm tra kéo dài hàng tuần liền khiến hoạt động của DN bị ảnh hưởng không nhỏ. Sau nhiều năm gắn bó tâm huyết với sản xuất, kinh doanh nông sản, đơn vị đã tạo lập được thương hiệu mạnh, có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.

Thế nhưng có những thời điểm mà đối tác, nhất là đối tác quốc tế đến thực tế tại DN thì đúng vào lúc các cơ quan quản lý đang thanh, kiểm tra khiến các đối tác giảm sút niềm tin vào DN và có những "lấn cấn" nhất định khi đi đến quyết định hợp tác làm ăn. Khổ một nỗi, DN phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm.

Dù cùng một nội dung, một lĩnh vực nhưng lại có nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra khác nhau, dẫn đến tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Như thế thử hỏi thời gian đâu nữa để DN chuyên tâm sản xuất, kinh doanh hiệu quả?.

Vấn đề tắc nghẽn và tốn kém chi phí hành chính đã nói nhiều lần. Làm thế nào để giảm bớt chi phí hành chính, rút ngắn thời gian kiểm tra, đẩy nhanh chuyển đổi số để hỗ trợ DN cũng đã được Chính phủ, các bộ, ngành đặt "quyết tâm" thực hiện.

Trong đó, cụ thể nhất liên quan đến nội dung này là Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hỗ trợ và phát triển DN.

Đặc biệt, Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN cũng đã nêu rõ: "Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với DN; phải bảo đảm sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của DN…".

Thế nhưng không ít DN vẫn "than phiền" vì bị thanh kiểm tra từ hai lần trở lên trong năm và có sự trùng lặp về nội dung giữa các đoàn thanh kiểm tra.

Hoạt động cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN của mỗi địa phương được thể hiện rõ nhất ở Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

PCI phản ánh mức độ hài lòng và ghi nhận của cộng đồng DN đối với nỗ lực nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương. Không thể phủ nhận nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện chỉ số này, nhưng nỗ lực này vẫn chưa được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao.

Hầu hết điểm số các chỉ số thành phần trong PCI năm 2023 của Đắk Lắk đều ở mức thấp, chưa có sự cải thiện hoặc cải thiện không đáng kể so với các tỉnh thành khác. Ngoài ra, vẫn còn 3 chỉ số thành phần có điểm số ở mức thấp, dưới 6 điểm là: đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng, tính minh bạch.

Do đó, cần thiết phải quyết liệt hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ DN. Cần bảo đảm tính ổn định, nhất quán của việc xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật và đặc biệt là phải nâng cao hiệu quả thực thi của đội ngũ cán bộ các cấp…

DN làm ăn thuận lợi sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Mong rằng cơ quan quản lý nhà nước "lắng nghe, thấu hiểu" hơn nữa để không còn tình trạng phải “đóng cửa DN” vì... môi trường kinh doanh.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc