Đổi thay ở xã anh hùng Ea Hiao
Xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo), nơi có ngọn núi Cư Kung, Cư Jú (thuộc địa bàn buôn Bir) từng được chọn làm căn cứ cách mạng, nuôi giấu cán bộ trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Đất nước giải phóng, chính quyền và nhân dân nơi đây đoàn kết một lòng vượt qua những khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Về Ea Hiao bây giờ, những con đường bê tông phẳng lỳ đã thay thế cho đường đất "nắng bụi, mưa bùn". Hai bên đường san sát những ngôi nhà mái ngói khang trang, bên cạnh đó là những căn nhà truyền thống của người Êđê, J'rai… vẫn còn được lưu giữ.
Trong căn nhà hai tầng mới xây gần 1 tỷ đồng, trang bị nhiều tiện nghi đắt tiền, ông Ksơr Y Sy (buôn Krái) không giấu được niềm vui mừng kể về những thay đổi của buôn làng cũng như gia đình mình những năm gần đây.
Một góc trung tâm xã Ea Hiao nhìn từ trên cao. |
Theo ông, trước đây bà con ở đây, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với lối canh tác lạc hậu nên năng suất cây trồng rất thấp. Nhưng những năm gần đây, được cán bộ địa phương tuyên truyền, hướng dẫn tận tình việc trồng cây, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới, chọn giống, bón phân, tưới nước theo quy trình nên bà con đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Về phía mình, bà con cũng chủ động học hỏi, tìm hiểu các mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng vào sản xuất. Như gia đình ông có hơn 4 ha đất nông nghiệp, trước đây làm lụng chăm chỉ cũng chỉ đủ ăn, nhưng từ khi nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây nông nghiệp có giá trị cao đã trở thành một trong những hộ có kinh tế khá trong buôn. “Mình không còn trồng độc canh cây cà phê nữa mà trồng xen canh mắc ca, sầu riêng, tiêu, bơ. Mấy năm nay nhờ giá nông sản tăng nên thu nhập cũng khá lên. Mỗi năm bình quân thu được gần 1 tỷ đồng”, ông Y Sy vui mừng cho hay.
Xuất thân là một nông dân trồng cà phê, anh Nguyễn Văn Dương (thôn 5A, xã Ea Hiao) luôn trăn trở cho việc nâng cao giá trị hạt cà phê, giúp bà con nông dân trong khu vực có cuộc sống tốt hơn. Sau một thời gian tìm hiểu, học hỏi quy trình canh tác cà phê bền vững, anh nhận thấy mô hình này phù hợp nên đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp bền vững Trọng Phú vừa sản xuất, vừa chế biến cà phê chất lượng cao để bán ra thị trường. Đến nay, hợp tác xã thu hút được 14 thành viên và 40 hộ dân tham gia liên kết.
Theo anh Dương, với quy trình canh tác cà phê bền vững, đa tầng này, người dân có thể trồng thêm nhiều cây trồng xen canh trong vườn cà phê vừa tạo được nhiều tầng tán, giúp giảm lượng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vừa bảo đảm năng suất, chất lượng cây trồng. “Nhờ áp dụng quy trình canh tác cà phê bền vững, cà phê của hợp tác xã sản xuất ra là loại cà phê chất lượng cao nên giá bán luôn cao hơn so với giá thị trường từ 5 - 10 nghìn đồng/kg”, anh cho biết thêm.
Bên cạnh đó, với việc trồng xen canh nhiều loại cây trong vườn cà phê như mắc ca, sầu riêng, tiêu… cũng tạo thêm nguồn thu lớn cho người dân. Như gia đình anh Dương với 3 ha diện tích cây trồng, nhờ canh tác đa cây đã mang lại thu nhập khoảng 4 tỷ đồng/năm.
Đồng lòng xây dựng quê hương
Ông Nguyễn Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Ea Hiao cho biết, địa phương luôn xác định sản xuất nông nghiệp là thế mạnh, do đó công tác vận động, tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn về canh tác nông nghiệp luôn được chú trọng. Hiện nay, bà con nông dân đang canh tác theo mô hình đa cây và mang lại hiệu quả kinh tế rất tốt.
Mô hình đa cây của Hợp tác xã Nông nghiệp bền vững Trọng Phú, xã Ea Hiao. |
Từ những nương rẫy manh mún, phương thức canh tác quảng canh kém hiệu quả, Ea Hiao giờ đã trở thành một vùng canh tác nông nghiệp rộng lớn với diện tích gần 8.000 ha. Trong đó, nổi bật là những loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cà phê 4.360 ha, cao su 900 ha, hồ tiêu 800 ha, mắc ca 220 ha, cây ăn quả 403 ha... Địa phương có 4 mô hình áp dụng sản xuất theo hướng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó sản phẩm mắc ca Ea H’leo được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Nhờ đẩy mạnh sản xuất kết hợp triển khai các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ người nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, xã Ea Hiao từng bước giảm số hộ nghèo và cận nghèo. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, địa phương đã giảm được 22 hộ nghèo, 68 hộ cận nghèo. Toàn xã chỉ còn 132 hộ nghèo (chiếm 4%) và 366 hộ cận nghèo (12%).
Cùng với phát triển kinh tế, người dân ở xã Ea Hiao luôn đồng hành, chung tay cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới (NTM). Những năm qua, nhân dân đã đóng góp tiền, hiến đất và tài sản trên đất với tổng trị giá hơn 20 tỷ đồng để xây dựng các công trình công cộng.
Đơn cử ở các thôn 1, 6, 10, 9A, 9B... người dân chủ động đóng góp hơn 11,4 tỷ đồng xây dựng hệ thống điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Nhân dân thôn 1 đóng góp 2,3 tỷ đồng cùng hàng trăm ngày công để bê tông tuyến đường nội thôn dài 2,4 km; thôn 4A đóng góp 158 triệu đồng đổ bê tông con đường 300 m; thôn 9A đóng 230 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn… Với sự đầu tư của Nhà nước và đóng góp sức người, sức của của nhân dân, đến nay xã Ea Hiao đạt 14/19 tiêu chí NTM.
Xã Ea Hiao thành lập năm 1984. Toàn xã có 16 thôn, 5 buôn với 3.389 hộ, 13.732 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS 4.818 khẩu, chiếm 35%. Năm 2010, xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ. Tháng 11/2023, được Chính phủ công nhận là Xã an toàn khu. |
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc