Huyện Cư Kuin: Giảm nghèo từ các mô hình kinh tế hiệu quả
Nhờ triển khai hiệu quả các mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt xen canh và đa dạng hóa sinh kế, công tác giảm nghèo tại trong những năm qua đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực.
Để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo, Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư Kuin tích cực phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm sau khi học nghề, hỗ trợ kinh phí và thủ tục pháp lý cho người nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, các tổ chức hội, đoàn thể đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh các chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ nguồn vốn giúp các hộ phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng sản xuất và kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhờ trồng xen canh nhiều loại cây trong vườn, gia đình chị H Lê Na Niê (buôn Jung A, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) đã nhanh chóng được xóa tên ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. |
Trước đây, gia đình bà H Pat Mlô (buôn Pưk Prông, xã Ea Ning) thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, phải làm thuê nên thu nhập rất bấp bênh. Năm 2015, gia đình bà được Tập đoàn Vingroup hỗ trợ một con bò giống thông qua chương trình "Ngân hàng bò". Nhờ được hướng dẫn chăn nuôi đúng kỹ thuật, con bò đã sinh sản lứa đầu tiên sau hai năm. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình phát triển kinh tế này, gia đình bà đã vay thêm 75 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin theo chương trình vay vốn hộ nghèo để mở rộng sản xuất, mua thêm bò, dê để phát triển kinh tế. Với quyết tâm cao cùng sự chăm chỉ, gia đình bà H Pat đã vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế bền vững và chính thức thoát nghèo vào năm 2023. “Tôi rất biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”, bà H Pat phấn khởi nói.
Gia đình chị H Lê Na Niê (buôn Jung A, xã Ea Ktur) thuộc diện hộ nghèo nhiều năm. Tuy nhiên, nhờ mô hình trồng hồ tiêu xen canh cà phê và sầu riêng, gia đình chị đã được xóa tên ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. Trong quá trình tìm kiếm hướng phát triển kinh tế, gia đình chị đã phải đối mặt với nhiều khó khăn ban đầu, chủ yếu là thiếu vốn đầu tư. Nhờ sự chăm chỉ của bản thân, cùng với sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình chị đã vay được 50 triệu đồng để đầu tư và phát triển vườn cây.
Với số vốn này, chị H Lê Na đã mua cây giống, phân bón để cải tạo, trồng mới và mở rộng quy mô vườn cây, từ đó kinh tế của gia đình bắt đầu có sự khởi sắc. “Với diện tích 5 sào trồng xen canh nhiều loại cây trong vườn, mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 100 triệu đồng. Với gia đình chúng tôi, vườn cây không chỉ là tài sản quý giá mà còn là nền tảng vững chắc giúp gia đình có cuộc sống khấm khá hơn, thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo”, chị H Lê Na chia sẻ.
Mô hình chăn nuôi bò và dê giúp gia đình bà H Pat Mlô (buôn Pưk Prông, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) vươn lên thoát nghèo. |
Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư Kuin Phạm Thị Thừa cho biết, bên cạnh việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ hộ nghèo và hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế bền vững, UBND huyện còn triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khác cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như: chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ y tế, hỗ trợ giáo dục và đào tạo… Ngoài ra, UBND huyện cũng chú trọng công tác tuyên truyền và truyền cảm hứng để người dân có động lực vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình.
Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách theo giai đoạn và hằng năm do Trung ương, tỉnh Đắk Lắk và huyện Cư Kuin đề ra. Đặc biệt, chú trọng các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Các chuỗi hỗ trợ nông nghiệp thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ được ưu tiên dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm; nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua công tác tuyên truyền; chú trọng kiểm tra và giám sát để việc thực hiện các chương trình bảo đảm hiệu quả và đúng tiến độ.
Tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện Cư Kuin là 981 hộ (chiếm 3,71% tổng số hộ). Trong đó, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 749 hộ (chiếm 9,56% tổng số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn và chiếm 76,35% so với tổng số hộ nghèo toàn huyện). So với năm 2022, số hộ nghèo đã giảm tương đương hơn 300 hộ. |
Thúy Nga
Ý kiến bạn đọc