Multimedia Đọc Báo in

Nhiều áp lực về bảo đảm chất lượng xuất khẩu

08:36, 14/08/2024

Vụ sầu riêng 2024 của Đắk Lắk đối diện với nhiều bất lợi không chỉ về thời tiết, mà còn đến từ những cảnh báo vi phạm các tiêu chuẩn chất lượng của nhà nhập khẩu. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu, giá bán sản phẩm và đang là thách thức cho sự phát triển của sầu riêng Đắk Lắk.

Sầu riêng “sầu” theo thời tiết

Đắk Lắk hiện đã vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng, với gần 33 nghìn ha; sản lượng năm 2024 dự kiến đạt trên 300.000 tấn. Tuy nhiên, do diện tích tăng đột biến và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến nấm bệnh phát sinh, gây hại, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của trái sầu riêng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) cho biết, gia đình bà có 5 ha sầu riêng, sản lượng năm nay ước đạt khoảng 80 – 100 tấn. Vào đầu mùa, khi hoa bắt đầu xổ nhụy thì thời tiết nắng nóng, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch quá lớn nên cây khó đậu trái và giữ trái. Khi quả lớn, gần đến ngày thu hoạch thì mưa liên tục dẫn đến tình trạng nấm bệnh diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng đến chất lượng quả, thậm chí có vườn giảm đến 20% sản lượng quả.

Mưa nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng chung của sầu riêng Đắk Lắk, khiến giá giảm mạnh so với đầu vụ. Theo một số nhà vườn ở khu vực TX. Buôn Hồ và huyện Krông Búk, hiện tại giá mua xô đang giảm sâu so với đầu vụ, có vườn thương lái chỉ mua với giá 32.000 – 33.000 đồng/kg (sầu riêng Ri6), 60.000 – 65.000 đồng/kg (sầu riêng Dona). Ông Nguyễn Bình Khang (xã Ea Sin, huyện Krông Búk) cho hay, gia đình mới bán được hơn 1 tấn sầu riêng Dona, với giá 65.000 đồng/kg, giảm 13.000 đồng/kg so với đầu vụ.

Công nhân vệ sinh trái sầu riêng trước khi đóng thùng xuất khẩu.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, năm nay thời tiết bất lợi cho việc sinh trưởng, phát triển của cây sầu riêng ngay từ đầu vụ. Điều này khiến thương lái rất kén chọn trong việc thu mua, dẫn đến đầu ra sản phẩm không được ổn định. Hiện Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thường xuyên kiểm tra tình hình sâu hại và bệnh để kịp thời khuyến cáo biện pháp phòng trừ phù hợp nhằm bảo vệ vườn cây.

Nỗi lo mang tên Cadimi

Trái sầu riêng đang tạo nên "cơn sốt" tại Trung Quốc do nhu cầu người dân tăng cao và trở thành mặt hàng nhập khẩu hàng đầu về sản lượng, giá trị. Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong việc cấp, quản lý, giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tất cả các khâu từ sản xuất đến xuất khẩu sầu riêng đều đang gặp vấn đề, dẫn đến tình trạng ngày càng có nhiều lô hàng bị cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của sầu riêng Việt Nam, thậm chí có thể đánh mất thị trường mà Việt Nam đã mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa.

Ông Võ Thanh Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và tiêu thụ sầu riêng Krông Năng cho hay, HTX đã chủ động liên hệ với các đơn vị thu mua để tìm hiểu nguyên nhân sầu riêng của Việt Nam bị Trung Quốc phát đi cảnh báo nhiễm Cadimi. Qua đó, đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ kiểm soát những yếu tố có nguy cơ dẫn đến các vi phạm về an toàn thực phẩm như: nguồn nước, đất tại các vùng trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của người dân xem có bị tồn dư hàm lượng chất vượt quá ngưỡng quy định hay không…

Vườn sầu riêng của một hộ nông dân trên địa bàn xã Ea Yông (huyện krông Pắc).

Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đã đến lúc cần phải có cơ chế quản lý riêng cho ngành sầu riêng để điều tiết được sản xuất của người nông dân, tăng cường hiệu quả hợp tác giữa nông dân sản xuất với doanh nghiệp (DN) kinh doanh, ngăn chặn các vi phạm trong chuỗi giá trị ngành hàng. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần phối hợp với các HTX, hộ nông dân để truyền thông một cách rộng rãi hơn trong việc quản lý tiêu chuẩn chất lượng. Đây không phải là việc DN yêu cầu mà tự nông dân phải bảo vệ chính mình bằng cách phải canh tác tốt, bảo vệ nguồn đất không bị nhiễm các loại kim loại nặng nhằm bảo đảm chất lượng mặt hàng tỷ đô này.

Theo Sở NN-PTNT, Đắk Lắk hiện có 68 mã số vùng trồng, với diện tích 2.521 ha đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và 198 vùng trồng với diện tích 4.771 ha đang chờ phê duyệt. Hiện nay, phía nhập khẩu yêu cầu ngày càng cao hơn về chất lượng và tuân thủ quy định sản xuất, xuất khẩu sầu riêng. Do đó, Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu kỹ để đưa ra các khuyến cáo về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và những chế phẩm khác.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc