Những mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả ở Hòa Phong
Thực hiện Nghị quyết số 04 của Huyện ủy Krông Bông, những năm qua, nhiều nông dân ở xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) đã thành công trong việc chuyển đổi diện tích đồi dốc, đất bạc màu sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao.
Nâng cao thu nhập nhờ trồng ớt, bắp cải
Ngoài 1 ha cà phê kinh doanh mỗi năm cho thu hoạch ổn định 2,5 tấn nhân, sau khi tham khảo kỹ thuật và đặc tính của một số cây rau màu, ông Hoàng Trí Tuệ (ở thôn 2, xã Hòa Phong) quyết định chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng 4.000 m2 ớt xuất khẩu và 1.000 m2 bắp cải.
Ông Tuệ chọn trồng loại ớt giống Chánh Phong 04, đây là loại ớt ít bị nấm bệnh, thời gian sinh trưởng kéo dài 6 tháng, năng suất trung bình đạt 3 tấn/1.000 m2. Với giá bán dao động từ 20.000 - 35.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi vụ ông lãi ròng 80 triệu đồng, cao gấp 8 lần so với trồng ngô.
Gia đình ông Tuệ thu hoạch vụ ớt 2024. |
Đối với cây bắp cải, ngoài vụ chính, ông Tuệ còn trồng thêm vụ Hè Thu để tăng hệ số quay vòng đất. Ban đầu ông áp dụng phương pháp lên luống để trồng, mỗi sào trồng được 30.000 - 40.000 cây bắp cải, song cách gieo trồng này có nhược điểm là khi tưới nước nhiều thì đất sẽ bị rửa trôi. Rút kinh nghiệm vụ đầu tiên, từ vụ thứ hai trở đi, sau khi làm đất, bón phân xong, ông Tuệ không lên luống mà cứ trồng bình thường, cứ cách 1 m chừa một lối đi nhỏ tiện cho việc chăm sóc. Cách làm này không chỉ bảo đảm độ phì của đất mà số lượng cây cũng tăng từ 40.000 cây lên 60.000 cây. Sau 75 ngày trồng, bắp cải cho thu hoạch, mỗi bắp cải đạt trọng lượng tầm 1 kg, với giá bán sỉ 5.000 đồng/kg, mỗi vụ gia đình ông thu được 25 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Để ổn định đầu ra, gia đình ông Tuệ đã liên kết với vựa thu mua ở chợ đầu mối Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) tiêu thụ sản phẩm. Nhờ sản phẩm chất lượng, không có lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nên thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Lợi ích kép từ cây mắc ca
Gia đình ông Hoàng Đức Mạnh (cũng ở thôn 2, xã Hòa Phong) có 7 ha đất canh tác, trong đó có 4,6 ha đất đồi dốc trồng cà phê. Do thiếu nguồn nước tưới nên năng suất không cao, vì thế ông mong muốn tìm một loại cây trồng thích hợp thay thế cho số cà phê già cỗi.
Ông Mạnh đến các huyện M’Drắk và Krông Năng để tìm hiểu về cây mắc ca - loại cây được xem như “làm chơi ăn thật”. Nhận thấy mắc ca là một loại cây lâm nghiệp đa chức năng, có khả năng chịu hạn cao, khi sinh trưởng cây có chiều cao và tán dày có thể che bóng và chắn gió cho cây cà phê phù hợp với diện tích canh tác của gia đình, năm 2019, ông mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng mua 1.000 cây giống mắc ca QN1 và OC trồng xen trong vườn cà phê 3,5 ha và trồng thuần 0,7 ha.
Ông Mạnh chuẩn bị giống để mở rộng diện tích trồng mắc ca. |
Sau 3 năm, cây mắc ca phát triển xanh tốt và đã cho thu bói được 1 tấn quả tươi. Từ năm 2023 đến nay, mỗi năm gia đình ông Mạnh thu được 2 tấn quả tươi, bán được 70 triệu đồng. Ngoài ra, ông cũng chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng 500 cây ca cao, mỗi vụ thu được 500 kg, bán với giá 115.000 đồng/kg. Hiện nay sau khi trừ chi phí, mỗi năm vườn cây cà phê xen mắc ca, vườn ca cao mang lại cho gia đình ông thu nhập trên 300 triệu đồng.
Ông Mạnh chia sẻ: Trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho gia đình mà còn giảm được lượng nước tưới và tăng năng suất cho cây cà phê. Chu kỳ thu hoạch của cây mắc ca lên đến 60 năm và từ năm thứ 10 trở lên năng suất sẽ đạt gấp đôi. Khi thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua, không phải tốn công bảo quản.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc