Tập trung giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Trong xu thế hội nhập, thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) ngày càng nhận được sự hưởng ứng và trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng.
Phương thức thanh toán này mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, lợi ích cho toàn xã hội. Để thanh toán KDTM phát triển, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tỉnh Đắk Lắk đang tích cực triển khai mô hình tuyến phố thanh toán KDTM và các giải pháp thúc đẩy thanh toán số trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông LƯU VĂN KHÔI, Giám đốc Sở Công Thương chung quanh vấn đề này.
* Tuy thói quen thanh toán KDTM đang ngày một trở nên phổ biến nhưng việc thay thế phương thức thanh toán truyền thống bằng thanh toán KDTM vẫn còn gặp không ít trở ngại, xin ông cho biết thêm về vấn đề này?
Bên cạnh ưu điểm tiện lợi, nhanh chóng, việc thanh toán KDTM vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục như: sự cố “nghẽn mạng”, lỗi hệ thống vẫn thường xuyên xảy ra gây khó khăn trong việc thanh toán của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công tác bảo mật chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ, đi đôi với đó là tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi; hành lang pháp lý chưa đồng bộ dẫn đến nhiều rủi ro trong thanh toán KDTM. Ngoài ra, thói quen người dân sử dụng tiền mặt còn khá phổ biến, nhất là ở vùng sâu, vùng xa...
Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công thương. |
* Để thúc đẩy thanh toán KDTM, thanh toán số, Sở Công Thương đã có những giải pháp như thế nào thưa ông?
Tháng 6/2023, tỉnh đã triển khai mô hình tuyến phố thanh toán KDTM đã được đưa vào hoạt động thí điểm tại đường Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột, tạo cơ hội cho người dân được trải nghiệm, hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ. Qua đó, xây dựng thói quen chi trả KDTM, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của tỉnh Đắk Lắk.
Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan khảo sát những tuyến phố có tiềm năng để mở rộng mô hình tuyến phố thanh toán KDTM ở các huyện, thị xã trong tỉnh; tổ chức các phiên chợ thanh toán KDTM, trong đó tập trung vào nhóm hàng nông sản, nhóm hàng OCOP đặc trưng của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu theo mô hình bán hàng trực tuyến, livestream trên các nền tảng TikTok, Facebook. Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ, ngân hàng thương mại xây dựng kế hoạch triển khai việc thanh toán KDTM tại các chợ truyền thống và các điểm du lịch trong thời gian tới.
Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã có nhiều đề án, kế hoạch để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, chuyển đổi số để phát triển thanh toán KDTM, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế của thời đại. Đặc biệt là đối với dịch vụ công và trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội… Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán cũng có nhiều chính sách bảo đảm an toàn cho thanh toán KDTM, bảo vệ quyền lợi của người có tài khoản thanh toán.
* Mang lại nhiều tiện ích, tuy nhiên thanh toán KDTM cũng phát sinh rủi ro trong giao dịch khi các hành vi phạm tội ngày càng tinh vi. Vậy người dân cần lưu ý những gì khi tham gia thanh toán KDTM thưa ông?
Là phương thức thanh toán tiên tiến nhưng cũng chứa nhiều rủi ro nên khi tham gia người dân cần trang bị những kiến thức cơ bản để có thể phòng ngừa các hành vi lừa đảo; tuyệt đối không tiết lộ hoặc để lộ thông tin giao dịch cá nhân, không cung cấp mã OTP, mã ngân hàng, thông tin cá nhân cho bất kỳ đối tượng nào nếu chưa xác nhận được yêu cầu đó là hợp pháp.
Người dân thanh toán viện phí bằng mã QR. |
Các giao dịch chuyển khoản ngân hàng hiện nay đều rất nhanh chóng. Vì vậy người dân cần xác nhận giao dịch thành công trên cả tài khoản người mua lẫn người bán. Khi có sự cố phát sinh hoặc gặp phải trường hợp lừa đảo, việc đầu tiên người dân cần làm là liên hệ với ngân hàng để khóa tài khoản, khóa thẻ. Sau đó tùy theo mức độ của tình huống có thể yêu cầu ngân hàng hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền hỗ trợ can thiệp.
Bước vào kỷ nguyên số, người dân cần tự trang bị kiến thức để hưởng lợi từ các tiện ích do công nghệ số đem lại, từ đó góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của địa phương.
* Xin cảm ơn ông!
Như Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc