Multimedia Đọc Báo in

Tháo gỡ vướng mắc các chương trình mục tiêu quốc gia cho các tỉnh Tây Nguyên

18:27, 02/08/2024

Chiều 2/8, tại Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có các đồng chí: Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT; Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo các bộ, ngành.

Về phía tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Năm 2024, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 chương trình MTQG vùng Tây Nguyên là trên 5,5 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 3,4 nghìn tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 2,1 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, các địa phương đã giao gần 3,3 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 99% kế hoạch; phân bổ chi tiết dự toán vốn sự nghiệp đạt 100% cho các đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, các địa phương trong vùng Tây Nguyên đã bố trí đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện 3 chương trình MTQG gần 1,6 nghìn tỷ đồng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói về những vướng mắc trong triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên.

Về tình hình giải ngân vốn ngân sách Trung ương, lũy kế đến hết tháng 6/2024 đã giải ngân hơn 1,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công (bằng 36,45 kế hoạch). Đối với nguồn vốn của năm 2024, giải ngân được khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng (35% kế hoạch giao). Kết quả giải ngân toàn vùng ngang bằng với kết quả giải ngân các chương trình MTQG chung của cả nước. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, tỷ lệ giải ngân của vùng Tây Nguyên còn thấp, tính đến hết tháng 5/2024 mới chỉ giải ngân hơn 95 tỷ đồng (4,4% dự toán).

Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 373 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 10 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ước tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 giảm từ 3 – 4% so với năm 2023…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu ý kiến.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Tại tỉnh Đắk Lắk tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện các chương trình MTQG năm 2024 là gần 1,6 nghìn tỷ đồng. Tính đến hết tháng 7/2024, các chủ đầu tư đã triển khai thực hiện và giải ngân được gần 556 tỷ đồng. Đối với vốn sự nghiệp, đến 30/6 đã giải ngân được gần 39,4 tỷ đồng (2,66% kế hoạch).

Tại hội nghị, các địa phương trong vùng kiến nghị các bộ, ngành hướng dẫn quy trình, thủ tục điều chuyển vốn giữa các dự án thành phần theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG trong trường hợp làm thay đổi tổng mức vốn dự kiến cho các dự án theo kế hoạch 5 năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn việc thực hiện cơ chế thí điểm cho phép cấp huyện điều chuyển giữa vốn đầu tư và vốn sự nghiệp giữa các chương trình MTQG theo quy định tại khoản 7, Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 trong trường hợp làm thay đổi cơ cấu vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Ngọc Sâm phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Ngọc Sâm phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng việc triển khai 3 chương trình MTQG còn rất nhiều vướng mắc nên tiến độ thực hiện của vùng Tây Nguyên còn thấp. Do đó, các địa phương vùng Tây Nguyên phải nỗ lực, quyết tâm hơn rất nhiều, bởi nguồn vốn sự nghiệp cho vùng không lớn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là nguồn hỗ trợ đối với hộ nghèo, người yếu thế và đối tượng chính sách khác một cách trực tiếp. 

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải cố gắng giải ngân theo kế hoạch vốn được giao, không xin thêm; làm ngay những việc có thể làm và học tập kinh nghiệm ở các địa phương làm tốt; chậm nhất đến chiều 9/8/2024, các tỉnh vùng Tây Nguyên gửi các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị bằng văn bản đến Văn phòng Chính phủ để tổng hợp gửi các bộ, ngành xử lý.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.