Xuất khẩu chính ngạch sầu riêng cấp đông: Mở thêm cơ hội cho sầu riêng Đắk Lắk
Trung Quốc vừa đồng ý cho sầu riêng đông lạnh của Việt Nam nhập khẩu chính thức vào thị trường tỷ dân này đã mở ra cơ hội lớn cho sầu riêng Đắk Lắk trong bối cảnh sản lượng tăng nhanh.
Giảm áp lực tiêu thụ quả tươi
Hiện nay, sầu riêng đông lạnh Việt Nam xuất khẩu sang 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hoa Kỳ… Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu. Theo Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, dự kiến năm 2024, diện tích sầu riêng của tỉnh đạt khoảng 34.000 – 35.000 ha, sản lượng đạt trên 300.000 tấn. Đắk Lắk đã vươn lên đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng sầu riêng, đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu sầu riêng chung của cả nước.
Công nhân tách múi sầu riêng để cấp đông tại Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm. |
Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, việc sầu riêng cấp đông được xuất khẩu chính ngạch là một thuận lợi lớn cho sầu riêng của tỉnh, khi mà sản lượng đang tăng nhanh trong những năm qua. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực từ vấn đề thu hoạch, bảo quản và quá trình vận chuyển đến cửa khẩu. Trên thực tế, những quả sầu riêng tươi đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 60% sản lượng cho thu hoạch, còn lại là tiêu thụ nội địa và chế biến sâu. Do đó, nếu Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng cấp đông sẽ giúp tăng sản lượng sầu riêng xuất khẩu lên 70 – 80%.
Mặt khác, trường hợp vào vụ thu hoạch, quả tươi không xuất khẩu được hoặc giá bán thấp thì có thể cấp đông để xuất khẩu. Điều này sẽ giúp giảm áp lực tiêu thụ quả tươi vào chính vụ, chủ động được việc điều tiết sản phẩm ra thị trường, kéo dài thời gian tiêu thụ sản phẩm… Việc cấp đông cũng giúp giám sát chất lượng tốt hơn, hạn chế vi phạm các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc, sầu riêng cấp đông được xuất khẩu chính ngạch là một thông tin rất vui cho “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh, mở ra cơ hội lớn để sầu riêng Krông Pắc có thể bán ở mọi thời điểm trong năm và ổn định về thị trường với giá tốt. Với diện tích trên 7.000 ha, sản lượng khoảng 90.000 tấn, dự kiến đến năm 2025 – 2026 sẽ vượt lên 100 nghìn tấn. Khi đó, lượng sầu riêng bóc múi sẽ lên đến 30.000 tấn. Điều này đòi hỏi việc kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu, bởi đây là yêu cầu tất yếu để bảo đảm cho sầu riêng Krông Pắc đứng vững trên thị trường thế giới cũng như Trung Quốc.
Sẵn sàng tâm thế
Theo Sở NN-PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 37 cơ sở cấp đông, tập trung tại một số huyện như Krông Pắc, Cư M’gar, TX. Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột… với tổng công suất 3.170 tấn.
Ông Vũ Hoàng Huynh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sầu riêng Tây Nguyên – Sarita cho biết, từ năm 2023, doanh nghiệp (DN) đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sầu riêng tại Đắk Lắk với công suất 40.000 tấn/năm, chuyên chế biến trái sầu riêng tươi và bóc múi. Trong đó, cấp đông sầu riêng là 200 tấn, để xuất đi các nước trên thế giới, trong đó Trung quốc chiếm 90%. Tuy nhiên, trước khi có nghị định thư này thì hàng cấp đông phải đi qua đơn vị thứ ba, khiến giá thành sản phẩm đội lên rất nhiều. Do đó, khi hàng cấp đông được xuất khẩu chính ngạch là cơ hội lớn và thuận lợi cho các DN có nhà máy bóc múi cấp đông sầu riêng như Sarita, sẽ giúp DN giảm được chi phí và tăng lợi nhuận tối đa, tích lũy được nguồn lực cho DN. Hiện các DN đang chờ được cơ quan chuyên môn hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ thủ tục để đăng ký xuất khẩu sản phẩm cấp đông.
Kho cấp đông sầu riêng tại cơ sở của hộ ông Đặng Văn Huy (thôn 3, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar). |
Còn ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp sạch (huyện Krông Pắc) cho hay, HTX hiện có 196 ha sầu riêng, dự kiến năm 2024 tổng sản lượng đạt gần 3.000 tấn. Việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng cấp đông mở ra một hướng mới, một cơ hội lớn cho những người làm sầu riêng. Để nắm bắt cơ hội này, hiện nay các thành viên của HTX đều canh tác theo hướng hữu cơ và một số diện tích đã ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất mang đến cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Theo Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, để tận dụng cơ hội này thì DN và nông dân phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm, trong đó phải bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, những thực vật nguy hại, tồn dư hóa chất và đặc biệt là chất lượng múi sầu riêng cấp đông phải đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.
Các cơ sở chế biến cần phải nâng cấp, bảo đảm quy trình theo yêu cầu của Nghị định thư. Mặc dù hiện nay Đắk Lắk là một trong những tỉnh đi đầu có những nhà máy cấp đông sầu riêng quy mô lớn, được đầu tư bài bản, tuy nhiên vẫn còn nhiều cơ sở bóc tách múi cấp đông chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Do đó, để tận dụng cơ hội này thì phải đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng chế biến. Mặt khác, để khai thác tốt lợi thế này, cần có sự điều tiết tổng thể của các bộ, ngành cũng như các cơ quan chuyên môn để thông tin thị trường kịp thời cho các DN, giúp họ chủ động đưa hàng ra thị trường vào những thời điểm tốt nhất về giá.
Về phía Hiệp hội, thời gian tới sẽ phổ biến, tập huấn rộng rãi nội dung của Nghị định thư đến hội viên, người sản xuất để định hướng cho họ xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí theo yêu cầu của Nghị định thư. Mỗi tác nhân trong chuỗi ngành hàng cần phải chịu trách nhiệm ở mỗi khâu sản xuất để bảo đảm sản phẩm đáp ứng được các quy định của nước nhập khẩu, đó là điều quan trọng nhất.
Ngày 19/8, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đối với 3 mặt hàng: sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu. Bộ NN-PTNT tiếp tục làm việc chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để triển khai những bước tiếp theo sau khi các Nghị định thư được ký kết để DN của Việt Nam có thể xuất khẩu các sản phẩm nói trên vào thị trường Trung Quốc một cách thuận lợi. |
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc