Multimedia Đọc Báo in

"Cởi trói" cho đầu tư công (kỳ cuối)

08:34, 11/09/2024

Kỳ cuối: Để đầu tư công thực sự là lực đẩy

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và biến động không ngừng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được coi là lực đẩy quan trọng để kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng nội lực và tạo nền tảng cho kinh tế - xã hội của tỉnh bứt phá mạnh mẽ hơn.

Tăng cường giám sát

Xác định vốn đầu tư công là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, vì vậy bên cạnh việc chú trọng phân bổ nguồn vốn đảm bảo kịp thời, đúng trọng tâm, trọng điểm, tỉnh còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm nhanh chóng phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn vốn phát huy được hiệu quả.

Đặc biệt, những năm gần đây, HĐND tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công tác kiểm tra, giám sát. Hằng năm, HĐND tỉnh đều tổ chức đoàn công tác đi khảo sát thực tế về việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công của từng nguồn vốn trên địa bàn tỉnh. Từ đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế cũng như làm rõ nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc và tìm giải pháp khắc phục.

Ông Lữ Ngọc Sinh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho rằng, qua công tác giám sát của HĐND tỉnh đã giúp các đơn vị, sở, ngành, chủ đầu tư phát hiện và nhận diện được những vấn đề thực tế để có giải pháp chỉ đạo, gỡ vướng cho từng dự án.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tình hình thực hiện Dự án đường giao thông từ xã Ea Hồ đi xã Tam Giang (huyện Krông Năng).

Sau khi đi khảo sát thực tế tại các dự án, đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng đã chỉ rõ tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện chưa thật sự hiệu quả; vai trò trách nhiệm của người đứng đầu chưa được nâng cao. Đồng thời, tỉnh chưa xác định được trách nhiệm cụ thể thuộc về cơ quan, đơn vị nào khi để xảy ra tình trạng triển khai dự án chậm tiến độ, điều chỉnh dự án... Vì vậy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng đã yêu cầu UBND tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng các dự án triển khai chậm tiến độ nhằm nâng cao chất lượng trong công tác giải ngân, bảo đảm hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn và hiệu quả của việc đầu tư trong thời gian tới.

 

“UBND tỉnh cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn. Đồng thời, cần chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư nâng cao chất lượng trong công tác phối hợp, kịp thời báo cáo và đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai dự án” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng.

Tại hầu hết các cuộc họp về xây dựng cơ bản và gần đây nhất là buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND tỉnh về việc triển khai các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương đến hết năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh đều khẳng định, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các đơn vị, sở, ban, ngành, chủ đầu tư cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện các dự án. Đặc biệt, trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), các địa phương và chủ đầu tư cần chủ động phối hợp với nhau để có thêm công cụ thực thi nhiệm vụ.

Không để vướng là… dừng

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Đức, nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công phần lớn đến từ công tác đền bù GPMB. Để gỡ vướng cho vấn đề này, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế phối hợp trong công tác GPMB cũng như phương án đền bù, tái định cư. Chính vì vậy, các đơn vị, địa phương cần “bám” vào những văn bản này để triển khai dự án, đồng thời cần nhận thức, nắm rõ các quy định của Nhà nước trong công tác GPMB. Đối với dự án gặp vướng mắc, các địa phương, chủ đầu tư cần kịp thời gửi văn bản đề nghị Sở hướng dẫn để tìm cách tháo gỡ ngay.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế cũng đưa ra đề xuất để tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB của các dự án, đó là phân cấp cho các địa phương thực hiện công tác này. Đồng thời, trước khi quy hoạch, phê duyệt dự án cũng như phương án đền bù GPMB, cần khảo sát hướng tuyến cẩn thận, xây dựng phương án cụ thể, chủ động về giải pháp chứ không thể cứ bị vướng là dừng lại.

Mặt khác, trong quá trình triển khai, các đơn vị cần thường xuyên rà soát khó khăn, vướng mắc của từng dự án để xử lý một cách kịp thời, dứt điểm. Đối với việc phân bổ, điều chuyển vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần kiểm tra khả năng hấp thụ vốn của từng dự án và tổng hợp, rà soát những dự án không giải ngân được để kịp thời điều chuyển vốn cho dự án khác. Nếu để Trung ương thu hồi vốn thì sẽ rất khó để bố trí lại.

Thi công Dự án hồ thủy lợi Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột).

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Võ Ngọc Tuyên cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn nắm chắc tiến độ, dự báo tình hình giải ngân và rà soát lại từng dự án để điều chỉnh vốn. Đồng thời, rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước để xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 -  2030 bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng nhấn mạnh, vốn đầu tư công là tiền của của Nhà nước, của nhân dân, phải sử dụng hiệu quả nhất, không chậm trễ, không lãng phí. Vì vậy, để nguồn “vốn mồi” này phát huy được hiệu quả, thực sự trở thành lực đẩy của nền kinh tế, thiết nghĩ các ngành, các cấp cần quyết liệt hơn nữa, nâng cao vai trò, trách nhiệm hơn trong quá trình chỉ đạo cũng như tổ chức triển khai thực hiện. Từ đó mới mong những “nút thắt” được tháo gỡ, vốn đầu tư công mới từng bước được “cởi trói”.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.