Multimedia Đọc Báo in

Cần tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

18:47, 18/10/2024

Ngày 18/10, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã giám sát tại Ban Dân tộc về “Tình hình quản lý, sử dụng đất ở, đất sản xuất do Nhà nước giao (hoặc cấp) cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); thực hiện quy hoạch để hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo và thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đối với diện tích đất Nhà nước giao (hoặc cấp) cho hộ đồng bào DTTS", thời gian từ năm 2002 đến tháng 6/2024.

Tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống, DTTS chiếm 35,7% dân số của tỉnh. Giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh có 130 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó, 54 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 71 xã khu vực I, 454 thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS của tỉnh là gần 19,7%, giảm gần 3,4% so với cuối năm 2022.

Các đại biểu dự buổi giám sát
Các đại biểu dự buổi giám sát.

Thực hiện Quyết định 132/2002/QĐ-TTg, ngày 8/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết đất đai cho đồng bào DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên, toàn tỉnh đã giải quyết đất ở cho 6.106 hộ, với diện tích 242,8 ha, đất sản xuất: 8.202 hộ, 4.556,3 ha. Chính sách theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn, có 5.531 hộ được giải quyết đất ở, diện tích 144,5 ha; 7.737 hộ được giải quyết đất sản xuất, diện tích 2.771,5 ha. Đối với Quyết định số 755/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 về Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, kinh phí thực hiện là 60 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, bò sinh sản… Theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 về Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh Đắk Lắk không được Trung ương bố trí vốn; tuy nhiên, các huyện đã bố trí ngân sách để tạo quỹ đất sản xuất để hỗ trợ cho 448 hộ với diện tích hơn 194 ha.

Phó Trưởng Ban dân tộc Nay HNan phát biểu tại buổi giám sát
Phó Trưởng Ban dân tộc Nay H'Nan phát biểu tại buổi giám sát.

Hiện, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Từ 2021 – 2024, kế hoạch vốn giao là hơn 130 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và Trung ương. Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ đất ở, nhà ở cho 552 hộ, tổng kinh phí hơn 23 tỷ đồng (gần 18%). Qua ra soát, nhu cầu hỗ trợ còn lại giai đoạn 2021 – 2025 là 16.834 hộ, kinh phí 613 tỷ đồng.

Thành viên đoàn giám sát đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến chính sách đất đau
Thành viên đoàn giám sát đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến chính sách đất đai.

Theo đánh giá của đoàn giám sát, chính sách của Đảng và Nhà nước đã giúp nhiều hộ đồng bào DTTS định canh định cư, vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, thực hiện chính sách đất đai còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, thời gian tới, các ngành, địa phương cần tổ chức triển khai đồng bộ các nội dung của chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất bảo đảm chất lượng, phát huy hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất phải gắn với cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vay vốn, chuyển đổi nghề để người dân ổn định chỗ ở, sản xuất; đồng thời, làm tốt công tác giữa các cấp, ngành và kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc triển khai.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo những vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.