Multimedia Đọc Báo in

Để doanh nghiệp mạnh dạn hơn

07:20, 02/10/2024

Thời gian qua, Chính phủ, các địa phương, sở, ngành đã nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, vượt qua khó khăn để phát triển.

Tuy nhiên theo đánh giá của UBND tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Minh chứng là trong 8 tháng năm 2024, Đắk Lắk chỉ có 935 DN thành lập mới (bằng 50,54 % kế hoạch đề ra); có nhiều DN giải thể, tạm ngừng hoạt động.

Xét về nguyên nhân sẽ có rất nhiều. Bên cạnh những hạn chế trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN như: tốc độ cải cách hành chính ở một số lĩnh vực còn chậm, chưa thực sự hiệu quả; hình thức tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân, DN sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến chưa phong phú; việc triển khai thực hiện các chính sách, nội dung hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV), hỗ trợ DN phục hồi sản xuất còn nhiều hạn chế; việc phối hợp quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm giữa các ngành chưa thực sự đồng bộ; Hiệp hội DN tỉnh và các hội nghề nghiệp chưa phát huy hết vai trò cầu nối giữa cộng đồng DN với cơ quan quản lý nhà nước…, còn có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó có một số quy định trong văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành của bộ, ngành Trung ương còn có sự mâu thuẫn, thiếu rõ ràng, đặc biệt là trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường...

Xưởng sản xuất của Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk (Cụm công nghiệp Tân An 2, TP. Buôn Ma Thuột).

Không ít DN từng chia sẻ, hiện nay vẫn còn tồn tại một số luật chồng chéo gây khó khăn cho DN. Vì vậy có những DN dù muốn phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng lại đang do dự về các quy định trong lĩnh vực đất đai, sợ vi phạm. Chưa kể các chính sách hỗ trợ dành cho DNNVV được ban hành và hướng dẫn tại rất nhiều văn bản gây khó khăn cho địa phương cũng như DN trong quá trình triển khai và tiếp cận nội dung hỗ trợ; một số cơ chế chính sách liên quan đến thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh chưa rõ ràng; kinh phí cho hoạt động hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo còn hạn chế.

Song song với những hạn chế trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN đến từ phía Nhà nước là những nguyên nhân chủ quan từ phía DN. Hiện nay hầu hết DN trên địa bàn tỉnh đều là DNNVV, quy mô và "sức đề kháng" kém. Vì vậy khi đứng trước những khó khăn, đa số các DN đều "thu mình" về "vùng an toàn". Mặt khác, nhiều DN chưa mạnh dạn đầu tư hay đơn giản là chưa chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của mình với chính quyền địa phương. Như Giám đốc Chi nhánh Viettel Đắk Lắk Phạm Việt Hùng từng nhận định, hiện nay có nhiều DNNVV có nhu cầu được hỗ trợ, nhưng chính quyền, các sở, ngành chưa nắm bắt được khó khăn của những DN này.

Dây chuyền sản xuất khép kín tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Về vấn đề này, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án sáng kiến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, trong các cuộc gặp gỡ, đối thoại DN, hầu như chỉ có những DN lớn chia sẻ, còn lại phần lớn các DNNVV thường e dè, "ngại" nói lên tâm tư, vướng mắc của mình.

Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, ông Tuấn cũng khẳng định, Đắk Lắk có những điều kiện thuận lợi nhưng cũng có bất lợi cho nhà đầu tư. Đơn cử như những thủ tục "mặt tiền" của tỉnh có thể tốt nhưng thủ tục phía sau vẫn cần phải lưu ý.

Kết quả PCI năm 2023, Đắk Lắk không có chỉ số nào nằm trong tốp đầu. Có nhiều chỉ số có sự thay đổi tích cực nhưng DN vẫn chưa đánh giá cao (cao nhất mới 49%). Trong khi đó, một quyết định đầu tư của DN được đưa ra có phần quan trọng đến từ lòng tin với chính quyền địa phương nơi họ có ý định đầu tư. Đối với bất kỳ bộ máy nào, cách thức tổ chức, công tác cán bộ đều liên quan rất lớn đến việc thực hiện thủ tục hành chính.

Chính vì vậy để DN "mạnh dạn" hơn, chính quyền cần thay đổi mạnh mẽ hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như cách thức tổ chức triển khai, thực hiện.

Lê Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.