Multimedia Đọc Báo in

Gia tăng nội lực cho doanh nghiệp

07:20, 02/10/2024

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn vẫn còn tiếp diễn, năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu số DN gia nhập thị trường ít nhất tăng 10% so với năm 2023. Điều này đặt ra cho các cấp, các ngành “áp lực” cải thiện môi trường kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động.

Điểm tựa cho doanh nghiệp

Với mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi về cơ chế, chính sách, hỗ trợ các nguồn lực cần thiết, tạo điều kiện cho các DN, trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), UBND tỉnh đã ban hành quy chế hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Đắk Lắk quy định việc quản lý, vận hành, cung cấp và sử dụng hệ thống, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC, dịch vụ công trên môi trường điện tử cũng được cải thiện.

Để rút ngắn thời gian gia nhập thị trường, cắt giảm chi phí cho DN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai nhiều giải pháp, đơn giản hóa quy trình giải quyết TTHC cho người dân, DN.

Công nhân sản xuất tại Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung (TP. Buôn Ma Thuột).

Các sở, ngành, địa phương cũng thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định còn chồng chéo, cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh, gây khó khăn, phiền hà cho DN. Trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đến những bất cập, rào cản về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh, làm phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường và chi phí tuân thủ pháp luật về xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh cho DN.

Quan trọng hơn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Ngoài ra các hoạt động nhằm thúc đẩy DN đầu tư, sản xuất kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững cũng được các sở, ngành quan tâm tổ chức. Chất lượng các hoạt động hỗ trợ DN, dịch vụ phát triển kinh doanh ngày càng được nâng cao.

Cần các giải pháp thực chất

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, mặc dù tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tuy nhiên kết quả chưa đạt mục tiêu và kỳ vọng. Năng lực cạnh tranh của tỉnh được đánh giá là chưa có nhiều bứt phá. Đặc biệt trong những năm gần đây, PCI của Đắk Lắk sụt giảm nghiêm trọng, xếp ở vị trí thấp trong bảng xếp hạng PCI của cả nước.

Lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành đến thăm Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (Khu công nghiệp Hòa Phú - TP. Buôn Ma Thuột).
 

Để cải thiện môi trường kinh doanh, gia tăng nội lực cho DN, các sở, ban, ngành, địa phương cần năng động, tiên phong và cùng đồng hành trong triển khai thực hiện; cần có sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, cầu thị, lắng nghe, nhìn nhận thẳng vào bất cập để đề ra nhiệm vụ, giải pháp” - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Võ Ngọc Tuyên.

 
 

Từ kết quả PCI năm 2023 của tỉnh có thể thấy những điểm sáng tích cực trong môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, hầu hết điểm số các chỉ số thành phần có ảnh hưởng lớn đến chỉ số PCI của tỉnh đều ở mức thấp, chưa có sự cải thiện hoặc cải thiện không đáng kể. Đặc biệt vẫn còn 3 chỉ số thành phần có điểm số ở mức thấp, dưới 6 điểm. Điều này cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành, cải thiện môi trường kinh doanh chưa được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao. Chính vì vậy, UBND tỉnh xác định cần phải đẩy mạnh và triển khai thực chất hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới.

Một trong những giải pháp quan trọng mà Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Phú Lộc đề cập đến đó là cải thiện chỉ số “Chi phí không chính thức” bởi sự hiện hữu của chi phí này là rào cản lớn trong hoạt động cải cách hành chính, cũng là trở ngại trong thu hút đầu tư, tạo sự mất công bằng trong hoạt động kinh doanh. Để cải thiện chỉ số “Chi phí không chính thức” nói riêng và nâng cao chỉ số PCI nói chung, cần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, cần nâng cao thái độ, trách nhiệm trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ trực tiếp tiếp xúc với người dân, DN.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.